Hàng không và du lịch là những ngành chịu thiệt hại nặng nề, trực tiếp từ đại dịch Covid-19 kéo dài từ năm ngoái đến nay. Thời điểm này, tất cả các hãng hàng không lớn nhỏ đều đang chờ gói cứu trợ từ ngân sách để có thể duy trì hoạt động của hãng trong giai đoạn khó khăn này.
Đến nay, mới chỉ có Vietnam Airlines được giải ngân 4.000 tỉ đồng theo hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại, nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12-2020 nhằm góp phần giúp hãng hàng không quốc gia vượt qua khủng hoảng.
Trước đó, tại toạ đàm về Giải pháp cấp bách để “giữ cánh” cho hàng không Việt, số liệu cho thấy chỉ riêng tháng 5 và tháng 6 năm 2021, doanh thu ngành hàng không Việt Nam giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm gần 100% so với năm 2019. Trong khi để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỉ đồng/ngày.Tính tới tháng 6-2021, nợ ngắn hạn của 3 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo airways) ước tính lên tới 36.000 tỉ đồng. Theo nhiều chuyên gia, với các hãng hàng không tư nhân, việc tiếp nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại và giải pháp tài chính khác vào lúc này đều khó khả thi nếu không có một cơ chế đặc biệt.
Hiện các hãng hàng không chỉ ưu tiên chuyến bay phục vụ công vụ và nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Diễn biến này khiến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, các hãng gần như “ngủ đông” ở thời điểm hiện tại. Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam về số liệu khai thác các chuyến bay trong giai đoạn tháng 7 cho thấy số lượng chuyến bay khai thác của các hãng giảm kỷ lục so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Như Vietnam Airlines trong giai đoạn từ 19-6 đến 18-7 thực hiện số chuyến bay giảm hơn 82% so với cùng kỳ; Vietjet số chuyến bay giảm 91,9%; Jetstar Pacific số chuyến bay giảm 97,6% so với cùng kỳ năm ngoái… Riêng tân binh Vietravel Airlines chỉ thực hiện 3 chuyến bay trong giai đoạn này, đếm trên đầu ngón tay so với những tháng trước đó. Đại diện một hãng hàng không cho biết nhu cầu đi lại của hành khách sụt giảm mạnh trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên hãng quyết định tạm ngừng khai thác toàn bộ các đường bay từ TP HCM.
Vài ngày trước, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho phép dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm cả đường bay giữa TP HCM và Hà Nội.
Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lỗ quý II/2021 dự kiến là 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lỗ tới 10.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý, số nợ phải trả quá hạn của hãng lên tới 6.240 tỷ đồng. Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, đứng bên bờ vực phá sản, theo Bộ KH-ĐT. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho hãng giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn tín dụng. Vì thế, hãng này đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá cao và rủi ro trong việc không cân đối các khoản nợ vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.
Đối với hàng không tư nhân như Vietjet Air hay Bamboo Airways, Bộ KH-ĐT đánh giá năm 2020 các hãng đã tối ưu hóa các mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và các dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, theo Bộ này, dự báo các hãng bay tư nhân sẽ hoạt động khó khăn trong năm 2021 và đang cạn dần nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho hoạt động vận tải hàng không. Con số thiếu hụt ước tính lên tới hàng chục nghìn tỷ.
Nhật Hạ