Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đang triển khai đợt chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để bổ sung thanh khoản. Cổ đông lớn ANA Holdings (Nhật Bản) có 124,4 triệu quyền mua cổ phiếu HVN từ Vietnam Airlines với giá ưu đãi nhưng đã quyết định chuyển nhượng tất cả với giá 0 đồng.
Giai đoạn 2021-2025, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã HVN) dự kiến thực hiện hai đợt phát hành cổ phiếu để bổ sung nguồn vốn và dòng tiền khoảng 14.000 – 17.000 tỷ đồng. Trong đó, đợt phát hành năm 2021 với quy mô dự kiến 8.000 tỷ đồng nằm trong gói giải pháp đã được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Để tiếp tục bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu và củng cố năng lực tài chính, Vietnam Airlines dự kiến sẽ xin ý kiến đại hội cổ đông và các cấp có thẩm quyền để tiếp tục phát hành cổ phiếu lần thứ 2 trong năm 2022 – 2023 với quy mô khoảng từ 6.000 đến 9.000 tỷ đồng.
Sở dĩ vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ vì Vietnam Airlines nhiều khả năng vẫn còn lỗ lũy kế trong giai đoạn 2020 – 2021 chưa xóa hết. Một trong những trở ngại lớn nhất đối với quá trình chào bán tăng vốn của Vietnam Airlines là kết quả kinh doanh thua lỗ hơn 11.000 tỷ đồng trong năm 2020, dự kiến lỗ tiếp 14.500 tỷ trong năm 2021. Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 15, Luật Chứng khoán 2019, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trong năm liền trước hoặc còn lỗ lũy kế sẽ không được chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, bằng 40% thị giá trước điều chỉnh. Tỷ lệ thực hiện quyền là 56,4%, tức là cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ có một quyền mua, người có 1.000 quyền mua sẽ được mua 564 cổ phiếu chào bán mới. Nhà nước đang nắm hơn 1,22 tỷ cổ phiếu HVN và sẽ mua gần 690 triệu đơn vị trong đợt phát hành tới.
Cổ đông chiến lược là ANA Holdings đang sở hữu 8,77% vốn điều lệ Vietnam Airlines, tương ứng với 124,4 triệu cổ phiếu HVN. Trong đợt chào bán tới, ANA Holdings sẽ được phép mua 70 triệu cổ phiếu với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp, tổng trị giá 700 tỷ đồng. Tuy nhiên đại gia hàng không đến từ Nhật Bản này vừa đăng ký chuyển nhượng toàn bộ 124,4 triệu quyền mua “cho đối tượng được mua là người lao động của Vietnam Airlines (VNA) và các đơn vị thành viên của VNA mà không yêu cầu bất kỳ một nghĩa vụ tài chính nào”.
Giao dịch chuyển nhượng được thực hiện thông qua hệ thống của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) từ ngày 9/8 đến 7/9. Trước đó, Vietnam Airlines đã thông báo phương án phân phối số quyền mua mà ANA chuyển nhượng cho người lao động. Cán bộ nhân viên văn phòng và tiếp viên cơ hữu mỗi người được mua tối đa 5.737 cổ phiếu, trị giá hơn 57 triệu đồng. Tiếp viên ALS (lao động thời vụ ký hợp đồng qua CTCP Cung ứng và Xuất nhập khẩu Lao động Hàng không Alsimexco) mỗi người được mua tối đa 2.868 cổ phiếu, trị giá gần 29 triệu đồng.
ANA Holdings sở hữu hãng hàng không 5 sao All Nippon Airways của Nhật Bản, trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines vào tháng 7/2016 sau khi mua 107,7 triệu cổ phiếu phát hành thêm. Tháng 12/2018, Vietnam Airlines chào bán 190,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên 14.183 tỷ đồng như hiện nay, sở hữu của của ANA Holdings cũng tăng lên thành 124,4 triệu đơn vị.
Ông Tomoji Ishii, Giám đốc chiến lược của ANA Holdings đồng thời là Thành viên HĐQT của Vietnam Airlines. Trong năm tài khóa kết thúc ngày 31/3/2021, ANA báo lỗ ròng kỷ lục gần 405 tỷ yen, tương đương 3,7 tỷ USD. Doanh thu giảm 63% còn gần 730 tỷ yen. Chính vì cũng đang gặp khó khăn vì COVID-19 nên ANA không có khả năng mua cổ phiếu tăng vốn của Vietnam Airlines. Vietnam Airlines đã báo lỗ kỷ lục gần 11.200 tỷ đồng trong năm 2020, dự kiến lỗ thêm 14.500 tỷ trong năm 2021.
Nhật Hạ