Dù huy động vốn có xu hướng tăng trưởng chậm lại, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 thì việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn duy trì tăng trưởng dương là tín hiệu khá tích cực.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, huy động vốn trên địa bàn trong 7 tháng 2021 có tốc độ tăng trưởng cao hơn và tăng tới 14% so với cùng kỳ.
Bộ phận tiền gửi thanh toán duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định so với cuối năm 2020, với mức tăng 4,71% trong 7 tháng đầu năm 2021, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng huy động vốn trên địa bàn (54%). Trong khi đó, bộ phận tiền gửi tiết kiệm duy trì tăng trưởng nhẹ (ước tăng 0,86%), chiếm tỷ trọng khoảng 37,2%. Phát hành giấy tờ có giá chiếm tỷ trọng khoảng 8,8%.
Hoạt động tín dụng cũng cho thấy sự chậm lại khi chỉ tăng khoảng 0,56% so với tháng trước (trong khi các tháng trước đó bình quân tăng trên 1%), ước đạt 2,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2020. Trong đó, tín dụng bằng VND tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng tín dụng toàn địa bàn, chiếm gần 93%. Tín dụng ngoại tệ chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 7%. Cả 2 bộ phận tín dụng đều duy trì tốc độ tăng trưởng so với cuối năm trước, ước tăng 5,57% đối với tín dụng VND và tăng 14,9% đối với tín dụng ngoại tệ. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM, tính đến cuối tháng 7/2021, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt hơn 3,02 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 4% so với cuối năm trước. Trong đó, vốn huy động bằng VNĐ chiếm tỷ trọng 88,6%, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,38% so với cuối năm; còn lại vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm tỷ trọng 11,4%, tăng 1,3% so với tháng trước và giảm 5,58% so với cuối năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ TCTD nhận định đã đáp ứng 100% nhu cầu vay vốn của khách hàng đủ điều kiện đạt tỷ lệ cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây với 38 TCTD, tương đương 44,9%. Tỷ lệ TCTD nhận định đáp ứng từ 75% đến 100% nhu cầu vay vốn của khách hàng tiếp tục duy trì ở mức cao hơn 90%.
Trong tháng 7/2021, tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều trường hợp các tổ chức tín dụng phải đóng cửa phòng giao dịch, tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nghi nhiễm. Trước tình hình này, NHNN chi nhánh TP HCM đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ và tuân thủ nghiêm hướng dẫn và quy định của chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và ngành y tế. Đồng thời, thực hiện công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đảm bảo cung ứng dịch vụ ngân hàng thông suốt, liên tục theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai phương án “3 tại chỗ”, dù ngân hàng không phải là đối tượng bắt buộc phải thực hiện quy định này như các doanh nghiệp sản xuất nhằm đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP HCM, dù phải thực hiện các biện pháp giãn cách để phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP HCM, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng. Đồng thời, đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả theo đúng chủ trương và quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh bị tác động bởi dịch COVID-19.
Mức độ rủi ro của các khoản vay kinh doanh du lịch tiếp tục được nhiều TCTD đánh giá tăng cao thứ 2 chỉ sau khoản vay đầu tư, kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2021. Trước tác động khó lường của dịch COVID-19, rủi ro tín dụng được dự báo tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021. Rủi ro tín dụng tổng thể năm 2022 được kỳ vọng giảm nhẹ so với năm 2021.
Theo báo cáo, mặc dù mặt bằng rủi ro được nhận định tiếp tục tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2021, nhóm 17 ngân hàng thương mại trọng yếu có xu hướng nới lỏng hơn tiêu chuẩn tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp và giữ không đổi đối với khách hàng cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2021.
Tĩnh Kiên