Gửi tiết kiệm vào ngân hàng trước nay đều được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh nhưng với mức lãi suất tiền gửi thấp như hiện nay đã khiến dòng tiền tích lũy của người dân dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Mặt bằng lãi suất đã giảm từ 1,5% đến 2,5%. Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng chỉ còn 3,3%/năm, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, lãi suất tiết kiệm xuống thấp kỷ lục nên dòng tiền trong dân cư lại lựa chọn các kênh đầu tư có lợi suất khác cao hơn như chứng khoán, vàng, bất động sản…Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến tháng 4/2021, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức trên 5,26 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,34% so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố. cùng kỳ những năm 2013 và 2014, khi lãi suất huy động còn ở mức khá cao, từ 7-9%/năm thì tăng trưởng tiền gửi của dân cư tại các TCTD từng lên tới 13,55% và 9,83%. Tuy nhiên, hai năm gần đây, tiền gửi dân cư lần lượt chỉ còn tăng 3,37% tại tháng 4/2020 và thấp nhất là tháng 4/2021 chỉ tăng 2,34%.
Thời gian gần đây một số ngân hàng bắt đầu có động thái tăng lãi suất huy động tuy nhiên mức tăng không cao và cục bộ, khiến cho dòng tiền nhàn rỗi vẫn có xu hướng chảy mạnh vào chứng khoán, bất động sản, vàng, trái phiếu… và giảm tiền gửi ngân hàng. Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, từ cuối năm 2019 đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm từ 1,5-2,5%, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng thậm chí xuống chỉ còn 3,3%/năm. Chính vì lãi suất tiết kiệm xuống thấp trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém đã ảnh hưởng đến sức hút tiền gửi dân cư vào ngân hàng.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý III do NHNN tiến hành, hầu hết các TCTD đều giảm dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 của đơn vị mình so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước do tác động khó lường của dịch COVID-19. Tuy vậy, nhu cầu vay vốn vẫn được dự báo là tăng cao hơn nhu cầu tiền gửi và thanh toán. Cụ thể, các TCTD kỳ vọng tăng trưởng tín dụng và huy động trong năm 2021 lần lượt là 13,1% và 11,9% so với đầu năm.
Gần đây, lãi suất tiền gửi dưới 12 tháng có diễn biến trái chiều khi một số ngân hàng tăng (Vietcombank, VIB, SHB) nhưng một số ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ (VPBank, Eximbank) khoảng 10 – 20 điểm phần trăm. SSI Research nhận định dù mặt bằng lãi suất thấp được hỗ trợ bởi định hướng điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, chênh lệch tiền gửi – tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp, tạo sức ép khiến lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ nửa cuối năm 2021.
Số liệu đến cuối tháng 6/2021 cho thấy, huy động ngành ngân hàng có mức tăng chậm hơn đáng kể so với cho vay. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố tính đến 30/6/2021 ước đạt 3,01 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2020. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư ước đạt 1,15 triệu tỷ đồng, chiếm 38,2% trong tổng nguồn vốn huy động và tăng 3,19% so với cuối năm 2020. Mặc dù vốn huy động trên địa bàn TP.HCM năm nay tăng chậm và thấp hơn tốc độ tăng trưởng cho vay, song theo ông Minh, mức tăng này vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 5/2021, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước đạt 116.400 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 6 tháng qua, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 22.428 tỷ đồng/phiên, tăng 302,3%; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 11.622 tỷ đồng/phiên, tăng 17,2%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 24.041 tỷ đồng/phiên, tăng 90,9%. Dòng tiền chảy vào chứng khoán còn được thể hiện qua việc hàng chục nghìn tài khoản giao dịch được mở mới mỗi tháng. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, có tổng cộng 482.760 tài khoản giao dịch chứng khoán mới, nâng số tài khoản trên thị trường lên hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,36% dân số Việt Nam.
Chính việc mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp kéo dài, trong khi các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản…) có khả năng sinh lời cao trở nên hấp dẫn hơn khiến nguồn tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng tăng chậm. Vì thế, nhiều nhà băng bắt đầu điều chỉnh lãi suất tiền gửi nhằm “lôi kéo” trở lại dòng tiền nhàn rỗi.
Tĩnh Kiên