Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong thời điểm đầu năm 2020 đã có hiện tượng sốt đất nền cục bộ tại một số khu vực, địa phương trên cả nước. Đến nay thị trường bất động sản đã được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá với mức giảm khoáng 10-20% so với thời kỳ cao điểm.
Theo Bộ Xây Dựng, kinh doanh bất động sản trong lĩnh vực bán lẻ, du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là hoạt động gặp nhiều khó khăn nhất.
Cũng liên quan đến phân khúc đất nền, liền kề, lãnh đạo Hội môi giới bất động sản mới đây trong báo cáo quý II cũng cho biết: nguồn cung suy giảm do khan hiếm dự án mới được phê duyệt. Lượng giao dịch ảnh hưởng do giá còn ở mức cao, một phần khác là do dịch bệnh Covid-19 kéo dài. “Tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư lẻ phải chịu hậu quả. Nhiều hiện tượng bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra trên thị trường”, Hội môi giới cho biết.
Trong bối cảnh đất một số nơi có dấu hiệu chững lại, một số chuyên gia đã đưa ra lời khuyên nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thị trường, cân nhắc tổng hoà nhiều yếu tố. Việc cắt lỗ hay không phụ thuộc rất nhiều vào dòng vốn mà nhà đầu tư đổ vào. Cụ thể, với những người đầu tư bất động sản bằng tiền có sẵn sẽ không chịu áp lực về dài hạn thì có thể duy trì, chưa vội vàng nghĩ tới chuyện cắt lỗ. Trái lại những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn thì cũng có thể xem xét đưa ra những mức giá phù hợp cho dễ thanh khoản.
Theo ghi nhận từ một số đơn vị nghiên cứu thị trường, bất động sản quý 2 có xu hướng chững lại. Khẳng định với Quốc hội, Bộ Xây dựng cho rằng, sau thời gian sốt nóng hiện nay giá đất nền ở nhiều “điểm nóng” đã sụt giảm mạnh. Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng khẳng định thị trường đất nền đã được kiểm soát sau cơn sốt đất cục bộ ở nhiều địa phương. Giá đất nền ở nhiều khu vực sốt nóng, sốt ảo hiện giờ đã giảm khoảng 10% đến 20% so với lúc đỉnh điểm. Tại báo cáo thị trường BĐS Quý 2 năm 2021 của một số công ty nghiên cứu thị trường, cho thấy toàn thị trường đất nền đã sụt giảm đáng kể cả về giá, lượng giao dịch và mức độ quan tâm của các nhà đầu tư.
, báo cáo thị trường quý II của kênh thông tin Batdongsan (thuộc PropertyGuru Việt Nam) cho biết, lượng tìm kiếm, quan tâm đất nền trên các chợ trực tuyến lao dốc. Độ quan tâm đất nền của các địa phương giảm sâu gồm Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%). Khu vực phía Nam gồm Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu từng nóng lên hồi đầu năm cũng đều suy giảm mức độ quan tâm. Nguyên nhân là thị trường hạ nhiệt từ nửa cuối tháng 4, sau đó là tác động của dịch bệnh khiến nhà đầu tư cân nhắc quyết định chuyển dịch dòng tiền.
Bên cạnh đó, theo bộ Xây Dựng, giá bất động sản cơ bản ổn định và có xu hướng tăng nhẹ tại một số địa phương. Trong đó, giá nhà chung cư, nhà thấp tầng tăng bình quân khoảng 1-4%. Trong khi đó, giá căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng nhẹ theo tháng. Giá căn hộ tại TP HCM và Hà Nội đều tăng do khan hiếm nguồn cung, ít có dự án mới được mở bán. Giá căn hộ chung cư bình quân tăng khoảng 2% so với quý I. Một số dự án có mức giá tăng cao hơn so với mức bình quân khoảng 4-7%. Hiện việc phát triển nhà ở xã hội tiếp tục gặp khó khăn, nửa đầu năm nay, cả nước chỉ có thêm 2 dự án mới được cấp phép, đầu tư xây dựng.
Các chuyên gia đầu ngành cũng có chung nhận định, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đang đẩy địa ốc vào kịch bản chịu áp lực giảm giá trên thị trường thứ cấp khá mạnh. Đối diện áp lực từ đợt dịch đầy căng thẳng và kéo dài lần này, những nhà đầu tư nào đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà hoặc vốn vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn sẽ phải đối diện với kịch bản vô cùng khó khăn. Nhóm nhà đầu tư này sẽ chịu áp lực điều chỉnh giá bán nếu muốn xả hàng để giảm gánh nặng tài chính. Một khi dịch bệnh sớm được kiểm soát, thị trường phục hồi nhanh thì làn sóng cắt lỗ sẽ không diễn ra nhiều, còn nếu ngược lại, tình hình hiện tại kéo dài, việc xuất hiện sóng bán tháo, bán giảm giá là điều khó tránh khỏi.
Diễn biến phức tạp và khó lường của đợt dịch cùng chỉ thị giãn cách xã hội kéo dài trên 19 tỉnh thành phía Nam đã đẩy thị trường BĐS vào tình thế tê liệt. Khối lượng giao dịch thứ cấp sụt giảm 90-95%, người bán chào hàng nhiều song người mua lại cực kỳ e ngại vì ai cũng có tâm lý phòng thủ khá mạnh. Ngoại trừ các nhà đầu tư trường vốn, có tiềm lực tài chính tốt và dày dạn kinh nghiệm đã cảnh giác chuẩn bị hàng phòng vệ tốt, vẫn có khá nhiều nhà đầu tư chưa lường hết những thách thức của việc chống dịch, đang loay hoay xả hàng trên thị trường thứ cấp. Những nhà đầu tư này bị nợ đọng, lãi vay phải trả đều hàng tháng, thậm chí có tài sản đến hạn phải đóng tiền theo tiến độ, cần bán tài sản buộc phải cân nhắc đến việc giảm giá.
Cương Nguyễn