Theo báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 mới đây của Chính phủ, với việc thực hiện Basel II, nợ xấu các ngân hàng tiếp tục được xử lý và kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì ở mức dưới 3%. Nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD dự báo ở mức 4,56% – 4,98% và có thể lên tới 5% nếu nền kinh tế phục hồi chậm hơn.
Trong năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD chiếm 3,81% so với tổng dư nợ cho vay và đầu tư, giảm so với mức 4,43% năm 2019 và 10,08% năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu ở đầu năm có xu hướng tăng tuy nhiên vẫn trong phạm vi mục tiêu đề ra. Ước tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,78%-2% với mục tiêu đề ra là dưới 3%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém) khoảng 2,91% – 3,15%, mục tiêu đề ra là dưới 5%. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD ước tính ở mức tương ứng là 1,54-1,91% và 3,43 – 3,84%. Đáng chú ý, nếu tính thêm các khoản nợ không chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 01, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD dự báo ở mức 4,56% – 4,98%.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong số đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, chiếm 66% tổng số nợ, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng. Nợ xấu không chỉ được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mà còn được chính các ngân hàng tự mua về xử lý và làm sạch bảng cân đối. Riêng đối với VAMC, từ năm 2018 đến nay, công ty đã bán đấu giá thành công gần 3 nghìn tỷ đồng các khoản nợ và tài sản bảo đảm, có 21 tổ chức tín dụng đã tất toán dư nợ tại VAMC. Tuy nhiên, hiện nay, mua bán nợ chủ yếu theo hình thức cạnh tranh hoặc đấu giá, còn rất sơ khai.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận chủ trương thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh. Theo đó, VAMC đã thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – Chi nhánh Sàn giao dịch nợ (tên viết tắt: Sàn giao dịch nợ VAMC), cũng như ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch nợ VAMC. Ngoài ra, VAMC cũng đã triển khai thủ tục đăng ký hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh và đã được Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
Theo VAMC, Sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với hoạt động trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân thông qua việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian. Sàn cũng là nơi dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.
Tĩnh Kiên