Lợi dụng tình hình dịch bệnh căng thẳng, một số tiểu thương, hộ kinh doanh tự phát đã tự ý tăng giá bất hợp lý các sản phẩm hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm. Đối với trường hợp của Bách hóa xanh, đại diện các đại lý, chi nhánh lại “đổ lỗi” cho hệ thống chưa thay đổi giá bán hàng hóa, không phải do đại lý cố tình tăng giá.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người bày tỏ, lợi dụng yếu tố dịch bệnh, dù vô tình hay cố tình tăng giá cũng đều là hành động vô nhân tính.
Bạn đọc E.L Nguyễn bày tỏ quan điểm: “Trong khi cả nước đang phải chịu hậu quả do đại dịch Covid-19 mang lại, thế nhưng lại có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng dịch bệnh để tăng giá hàng hóa bất hợp lý là điều rất vô nhân tính. Do đó, tôi đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng này với mức phạt cao nhất, để tạo ra tính răn đe trong xã hội”. Trước hiện tượng trên, Tổng cục QLTT cho biết: Các đội Quản lý thị trường, của các địa phương đều đã công khai đường dây nóng 24/24h để tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân về thị trường hàng hóa và công tác phòng chống COVID-19.
Ngoài nhiệm vụ giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, các đơn vị Quản lý thị trường còn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh, siêu thị và tổ chức ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không kinh doanh hàng giả, vi phạm pháp luật khác.
Theo bản tin của Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 16/7 ghi nhận: Tại TP.HCM, ghi nhận một số hộ dân bán rau, củ, trứng nhưng giá cao hơn thị trường rất nhiều. Ví dụ, trứng gà vịt được bán với giá 45.000 đồng/chục, cao hơn 70% so với giá siêu thị; giá dưa leo là 45.000 đồng/kg, bí đỏ là 30.000 đồng/kg; nhiều mặt hàng rau củ quả khác dao động 40.0000 – 45.000 đồng/kg, tăng từ 30% – 100% so với những ngày trước dịch.
Không chỉ TP.HCM, một số địa phương có dịch cũng xuất hiện tình trạng đầu cơ, bán hàng hóa giá cao. Trong đó, trứng và rau xanh là 2 mặt hàng dễ bị “thổi giá” nhất, hiện tại ghi nhận mức tăng 25% – 60%, tùy từng chủng loại, so với ngày 1/7/2021. Trước hiện tượng tăng giá bất hợp lý tại các hộ kinh doanh, tiểu thương tự phát, người dân TP.HCM chỉ còn biết trông chờ vào nguồn hàng hóa tại các siêu thị, bách hóa uy tín. Bởi, các đơn vị này cam kết với Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ không tăng giá hàng hóa, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Thế nhưng, trong ngày 2 ngày 17/7 – 18/7, Tổng cục Quản lý thị trường đã tiến hành xử phạt 2 cửa hàng Bách hóa xanh về việc bán hàng không niêm yết giá và bán cao hơn giá niêm yết. Cụ thể, ngày 17/7, Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng đã lập biên bản đối với cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP Sóc Trăng về hành vi bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết. Cụ thể, sản phẩm cháo tươi thịt thăn, niêm yết 13.500 đồng/gói, bán ra 14.600 đồng/gói; sản phẩm cháo yến vị thịt bằm, niêm yết 9.800 đồng/gói, bán ra 10.300 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi gà cà rốt, niêm yết 19.000 đồng/gói, bán ra 19.600 đồng/gói;….
Tương tự, ngày 18/7, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã phát hiện cửa hàng Bách Hóa Xanh, tại địa chỉ 259-261 Ngô Quyền, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột đã có hành vi bán hàng không niêm yết giá và bán cao hơn giá niêm yết. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng này bán hàng không niêm yết giá và bán giá cao hơn so với giá niêm yết. Trước đó, tại TP.HCM, nhiều khách hàng của Bách hóa xanh cũng phàn nàn về hiện tượng một số cửa hàng bán hàng không niêm yết giá, hoặc bán giá cao hơn so với giá niêm yết.
Hầu hết, các tiểu thương, hộ kinh doanh tự phát đều “đổ lỗi” cho dịch bệnh bùng phát, khiến nhu cầu mua tích trữ hàng hóa, lương thực của người dân tăng cao. Trong khi đó, nguồn hàng hóa đổ về thành phố có xu hướng ít dân. Kết hợp cả hai yếu tố này, cầu vượt cung, đã khiến giá của nhiều mặt hàng tăng cao.
Nhật Hạ