Cơ cấu bất động sản chưa phù hợp, nguồn cung chung cư cao cấp lại nhiều hơn, trong khi bất động sản giá trung bình, giá rẻ phục vụ đại đa số người dân có nhu cầu lại chưa phát triển.
Bất động sản đã thiết lập mặt bằng giá mới mặc dù dịch bệnh. Xuất hiện một số tình trạng dự án bất động sản chưa đủ cơ sở pháp lý nhưng vẫn ‘tung’ ra thị trường gây ra các rủi ro, hoạt động kinh doanh không bình thường hoặc có biểu hiện lừa đảo trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo Lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, tình trạng đầu cơ vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở đô thị lớn, khu vực có chủ trương tách nhập, nâng cấp; xuất hiện tình trạng thổi giá, tăng giá cục bộ ở một số khu vực. Giao dịch bất động sản ở thị trường sơ cấp chưa kiểm soát hết, vẫn có những rủi ro không đáng có trong quá trình hoạt động; nhất là nguồn cung cấp ra thị trường thông qua các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản. Trong 4 năm vừa qua Chính phủ đã có quy định cung cấp thông tin cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thực tế các thông tin đưa vào thị trường gần như không đáp ứng yêu cầu; có thông tin cung cấp chính xác nhưng rất chậm, có thông tin không cần cung cấp lại cung cấp dẫn đến có nhìn nhận, đánh giá không chuẩn xác, không bảo đảm đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước. Điều này dẫn đến thị trường hoạt động không lành mạnh. Do đó, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ sửa đổi, thay thế Nghị định 117 và Nghị định 76 nhằm hạn chế, kiểm soát các hoạt động giao dịch của thị trường; đặc biệt là các giao dịch liên quan đến đất nền, kinh doanh bất động sản.
Tính minh bạch của thị trường mặc dù đã có quy định yêu cầu cung cấp công khai minh bạch thông tin. Tuy nhiên tính minh bạch của thị trường từ hoạt động đầu tư, hoạt động tạo lập đến giao dịch mua bán vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để có quy định chặt chẽ hơn, bảo đảm công khai, kịp thời. Bởi có khu vực có thông tin nhưng thông tin chưa đầy đủ, có khu vực có thông tin nhưng lại không thông tin kịp thời nên có nhiều trường hợp lợi dụng để đầu cơ, để tung thông tin không chính xác dẫn đến rủi ro cho khách hàng. Đây là vấn đề thời gian tới sẽ được nhà nước quan tâm.
Các cơ chế về đất đai chưa tháo gỡ kịp thời nên khâu giao đất, cho thuê đất, bồi thường về giải phóng mặt bằng… vẫn gặp khó khăn. Nhiều địa phương cũng đang triển khai những chính sách mới nên chưa có chính sách tác động mạnh ngay đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, sự thay đổi của nền kinh tế kể cả trong nước và thế giới cũng sẽ có sự tác động đến thị trường bất động sản.
Báo cáo của Savills Việt Nam đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản (BĐS) tại Việt Nam có những dấu hiệu phục hồi với triển vọng tăng trưởng trong một số lĩnh vực nhất định. Một số dự án nhà ở và văn phòng chất lượng cao được ra mắt trong thời gian vừa qua cùng nhu cầu văn phòng cao cấp giữ đà tăng. BĐS công nghiệp và lĩnh vực bán lẻ cao cấp tiếp tục nhận được sự quan tâm và đầu tư. Giá nhà chung cư có hiện tượng tăng trong áp lực hạn chế về nguồn cung. Nhận định về hoạt động của các lĩnh vực BĐS từ nay đến cuối năm, Savills Việt Nam đưa ra một số xu hướng đáng chú ý. Cụ thể, BĐS công nghiệp sẽ giữ vị thế là một trong những lĩnh vực có triển vọng phát triển tốt nhất. Thị trường này được kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận nhiều nhu cầu mới hơn nữa trong tương lai, nhất là tại các khu vực kinh tế triển vọng. Đà tăng trưởng của BĐS công nghiệp vẫn hưởng lợi từ các thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) và nguồn cung mới.
Từ nay đến cuối năm, những tác động của dịch Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường BĐS. Do vậy, sẽ có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, các phân khúc BĐS và dự án.
Cương Nguyễn