Nửa đầu năm nay, các tổ chức tín dụng là nhóm có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất. Tỷ trọng cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trên thị trường sơ cấp đã giảm một nửa so với cùng kỳ.
Theo Bộ Tài chính, nửa đầu năm nay, các tổ chức tín dụng là nhóm có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất, chiếm 40,2% tổng khối lượng phát hành (trên 67.800 tỷ đồng). Trong khi đó, khối lượng trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản đã giảm 55,5% so với cùng kỳ, chỉ chiếm 13,2% (tương đương gần 22.300 tỷ đồng).
Ngoài ra, lãi suất phát hành bình quân giai đoạn này cũng giảm 1,6 điểm % so với cùng kỳ năm trước, phổ biến ở mức 7,9%/năm. Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết đã có thay đổi tích cực trong cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nửa năm qua. Trong đó, các công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, chiếm 44,4% tổng khối lượng phát hành, trong khi các tổ chức tín dụng chiếm 25%. Đặc biệt, tỷ trọng cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trên thị trường sơ cấp đã giảm một nửa so với cùng kỳ, chỉ đạt 5,7% khối lượng phát hành (cùng kỳ là 12,68%).
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, số liệu kể trên cho thấy các quy định mới tại Nghị định 153 đã có tác động hạn chế các đối tượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có khả năng đánh giá rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, góp phần bảo vệ lợi ích của nhóm nhà đầu tư này. Trong nửa đầu năm 2020 trước đó, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ đã ghi nhận tỷ trọng cá nhân tham gia đầu tư tăng vọt, Bộ Tài chính sau đó đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo nhóm này thận trọng khi tham gia thị trường này.
Bộ Tài chính đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường tài chính chung. Cụ thể, doanh nghiệp huy động vốn thông qua trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn, lãi suất cao, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến việc không trả được gốc và lãi cho nhà đầu tư sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu và thị trường tài chính. Trong khi đó, với nhà đầu tư, pháp luật hiện nay quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Hiện chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được mua và giao dịch sản phẩm này. Do đó, mọi hành vi lách các quy định để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ trực tiếp gây ra rủi ro cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể vi phạm quy định của pháp luật nếu cơ quan quản lý phát hiện được các hành vi lách quy định nói trên. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết hiện nay, có hiện tượng tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp không đúng đối tượng cho nhà đầu tư.
Đây là dữ liệu thống kê Bộ Tài chính ghi nhận được trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau 6 tháng triển khai các quy định mới liên quan hoạt động phát hành trái phiếu. Cụ thể, theo cơ quan quản lý, nửa đầu năm qua, thị trường đã ghi nhận tổng cộng 168.702 tỷ đồng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được phát hành, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ, tương đương 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020 và chiếm 8,3% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.
“Điều này cho thấy đã có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng, đây là tín hiệu tốt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.
Nhật Hạ