Mức giảm sâu này đã khiến vốn hóa TTCK Việt Nam mất hơn 248.000 tỷ đồng, riêng sàn HOSE mất đi hơn 190.600 tỷ đồng. Lưu ý rằng, đà giảm của TTCK Việt Nam trong phiên 12/7 diễn ra trong bối cảnh hầu hết các thị trường khu vực đều tăng mạnh.
Mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, đà giảm điểm của thị trường sau 2 ngày nghỉ cuối tuần dường như không hề giảm mà ngược lại, còn giảm sâu hơn những phiên cuối tuần trước. Theo đó, trong phiên ngày 12/7, chỉ số VN-Index có thời điểm giảm hơn 70 điểm, HNX-Index cũng lao dốc không có điểm dừng khi mất đến 6%.
Trong phiên 12/7, tâm lý nhà đầu tư rất hoảng loạn, áp lực cung rất lớn, đặc biệt hiện tại thị trường chủ yếu gồm nhà đầu tư cá nhân, F0 gia nhập cũng nhiều và mức độ hiểu biết về thị trường chưa cao. Dẫu vậy, bên mua lại rất nỗ lực, đặc biệt họ cũng sẵn sàng bắt đáy ở giá sàn, đây là lý do khi kết phiên, tại nhóm VN30 chỉ có 3 mã sàn, riêng HPG hay STB còn có dấu hiệu hồi, điểm số thị trường cũng chỉ giảm khoảng 50 điểm. Việc cung cầu gặp nhau đã đưa thanh khoản thị trường lên mức 31.615 tỷ đồng trên sàn HOSE. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng đã bắt đáy khá nhiều, đặc biệt mua vào STB, SSI, HPG, tổng lượng mua 3 mã này chiếm khoảng 70% lượng mua ròng của khối ngoại trong phiên này.
Đà giảm sâu của phiên ngày 12/7 là hệ quả của những phiên giảm từ tuần trước, nhất là phiên ngày thứ 6. Điều này tạo ra áp lực tâm lý, ngoài ra các chỉ số tài chính cũng như báo cáo của các công ty chứng khoán đưa ra góc nhìn bi quan càng làm hội tụ tính lo ngại cho giới đầu tư, nhất là nhà đầu tư F0. Các nhà đầu tư F0 chủ yếu chưa chứng kiến qua trạng thái thị trường như thế này, nên họ sẽ lo ngại các thông tin về dịch bệnh, từ đó tạo nên tính hội tụ về tâm lý, dẫn đến hành vi bán tháo rất mạnh. Thanh khoản của thị trường trong phiên hôm qua cũng tăng rất mạnh với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn là 37.161 tỷ đồng. Càng về cuối phiên, lực cầu bắt đáy khá nhiều, điều này có thể thấy trong ngắn hạn, thị trường sẽ bước vào giai đoạn hồi phục nhẹ. Chỉ số VN-Index sẽ giao dịch quanh mức 1.270 điểm, đây cũng là mức hỗ trợ tốt cho thị trường.
Mặc dù việc vận hành hệ thống mới vào ngày 5/7 giúp dòng tiền chảy thông suốt và thanh khoản ở mức cao, nhưng áp lực bán tháo trên diện rộng đã khiến thị trường giảm điểm mạnh, đặc biệt là ngày 6/7, chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 56 điểm chỉ trong khoảng 15 phút cuối phiên chiều. Một phiên “sập” của thị trường nằm ngoài dự đoán khiến đa số nhà đầu tư chuyển từ tâm lý lạc quan sang nghi ngại, thậm chí nhận định thị trường có thể bị bẻ gẫy xu thế tăng và bước vào thời kỳ giảm. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục chịu thử thách dữ dội khi những phiên sau đó, thị trường liên tục giảm mạnh, điều này dẫn đến hiệu ứng domino bán để bảo vệ thành quả, hoặc bán cắt lỗ, tránh bị call margin. Chỉ tính trong tuần trước, VN-Index đã mất 73,54 điểm, xóa đi toàn bộ nỗ lực tăng điểm của gần 1 tháng trước đó. Mức giảm trên cũng khiến vốn hóa sàn HOSE mất 273.000 tỷ đồng, tương ứng 11,8 tỷ USD.
Diễn biến như trên thấy thị trường chứng khoán đang ở thời điểm rất tiêu cực. Có nhiều nguyên nhân cộng hưởng giải thích cho xu hướng này. Đầu tiên, những thông tin tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp tạo nên lo ngại nhất định với nhiều doanh nghiệp niêm yết phải tạm dừng một phần hoạt động, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh quý 3 và cả năm. Tiếp đến, một lo ngại có tính “đặc trưng” của chứng khoán Việt Nam đó là tình trạng kéo xả, việc VN-Index và cụ thể là VN30-Index “bị đạp” sâu được không ít nhà phân tích cho rằng đó là hành động chủ ý theo cách thức đầu tư “lỗ trên thị trường cơ sở, lãi trên thị trường phái sinh”. Suy đoán này không phải không có cơ sở bởi chứng khoán Việt Nam có những diễn biến tương tự trong quá khứ.
Cuối cùng chính là câu chuyện “tăng nhanh thì phải giảm nhanh”. Chứng khoán Việt Nam có chuỗi tăng ngoạn mục kéo dài hơn hơn 1 năm, và nguyên tắc không có gì có thể tăng mãi. Giảm để tìm điểm cân bằng trước khi có các con sóng mới là điều cần xảy ra, vấn đề của mỗi nhà đầu tư là tại sao lại là giảm vào tuần trước và tuần này mà thôi, sao không giảm vào tuần tới, sao không giảm lúc tài khoản vừa bán xong.
Nhật Hạ