Nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng cao (có ngân hàng tăng tới 60%) và được nhận định tiếp tục tăng mạnh khi hết thời hạn giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nợ xấu này đang mắc kẹt và có nguy cơ “phình to” do thiếu cơ chế xử lý.
Đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 3% (so với mức 1,89% cuối năm 2019) và nợ xấu gộp khoảng 5% (so với mức 4,65% cuối năm 2019). Dự báo đến cuối năm 2021, khối nợ xấu này còn có thể tăng hơn nữa, với tỷ lệ nợ xấu nội bảng vào khoảng 3,5 – 4% và nợ xấu gộp khoảng 5,5 – 6%.
Thống kê của 26 tổ chức tín dụng quý I/2021 cho thấy, nợ xấu tuyệt đối chỉ hơn 93.000 tỷ đồng, dù đã tăng hơn 5% so với cuối năm 2020. Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong số 530.000 tỷ đồng nợ xấu đã được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức tín dụng phối hợp xử lý giai đoạn trước đây, số nợ xử lý theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) lên tới 350.000 tỷ (chỉ riêng giai đoạn từ 15/8/2017 đến 30/4/2021).
Theo VAMC, Nghị quyết 42 đã trở thành một “bảo kiếm” hữu hiệu, giúp các tổ chức tín dụng và VAMC xử lý nợ xấu nhanh chóng, hiệu quả hơn. Một số chuyên gia ngân hàng lưu ý, Nghị quyết 42 với các cơ chế đặc biệt về xử lý nợ xấu chỉ áp dụng với các khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017, chủ yếu là “cục máu đông” nợ xấu hình thành trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2011 – 2013. Còn với nợ xấu hình thành từ ngày 15/8/2017 đến nay, các ngân hàng vẫn phải xử lý theo trình tự thủ tục thông thường. Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống tăng 5,1%, cả năm nay có thể tăng 12%, tức đạt quy mô 10,3 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu tính toán một cách đầy đủ, nợ xấu cuối năm nay có thể lên tới nửa triệu tỷ đồng – cao gấp nhiều lần so với con số báo cáo của các tổ chức tín dụng hiện nay.
Nghị quyết 42 dù còn hiệu lực 1 năm nữa, song lại không có tác dụng trong việc xử lý các khoản nợ mới phát sinh. VAMC đang chuẩn bị đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ xấu, song nhiều ngân hàng cho rằng, trước mắt, chưa thể kỳ vọng xử lý nợ xấu qua sàn giao dịch, khi hàng loạt vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý của khoản nợ, chứng khoán hóa nợ xấu… chưa được xử lý. Hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu hiện hữu và tiềm ẩn trong tương lai sẽ là mối đe dọa lớn của các ngân hàng. Thậm chí, khối nợ này này đang mắc kẹt và có nguy cơ dềnh lên bởi thị trường mua bán nợ trầm lắng và nằm “ngoài vùng phủ sóng” của Nghị quyết 42.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính từ cuối năm 2018 đến ngày 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 500.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực).
Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy, nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh. Như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), nợ xấu tăng 61%, lên 2.954 tỷ đồng. Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), ACB đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai. Ngoài ra, các ngân hàng đang nắm giữ số lượng nợ xấu cao trong hệ thống gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), nợ xấu tương ứng hơn 10.420 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) nợ xấu khoảng hơn 8.950 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nợ xấu hơn 7.690 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) hơn 4.180 tỷ đồng.
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho rằng, nếu không có Covid-19, một khi tảng băng nợ xấu khổng lồ giai đoạn trước được dọn dẹp, thì với nguồn lực tài chính cải thiện mạnh những năm gần đây, các ngân hàng có đủ sức xử lý nợ xấu mới phát sinh. Thế nhưng, Covid-19 xảy ra khiến khối nợ này lại dềnh lên, nguy cơ hình thành “cục máu đông” mới. Nghị quyết 42 dù còn hiệu lực 1 năm nữa, song lại không có tác dụng trong việc xử lý các khoản nợ mới phát sinh.
Cương Nguyễn