Các nhà phân tích thuộc JPMorgan Chase từng cảnh báo rằng một sự mất mát niềm tin đột ngột vào Tether có thể dẫn tới một “cú sốc thanh khoản nghiêm trọng đối với toàn bộ thị trường tiền ảo”.
Bitcoin đã trở thành cái tên quá quen thuộc khi nói về tiền ảo, nhưng Tether thì sao? Cũng là tiền ảo như Bitcoin và có giá trị vốn hoá thị trường hiện đạt hơn 62 tỷ USD, lớn thứ ba thế giới, nhưng Tether rất khác so với Bitcoin và các tiền ảo khác.
Tether là stablecoin – loại tiền ảo được ràng buộc với tài sản trong thế giới thực, như USD, để duy trì giá trị ổn định. Trong khi đó, các tiền ảo khác có mức độ biến động rất lớn do không được ràng buộc với một tài sản thực nào. Chẳng hạn, giá Bitcoin đạt kỷ lục mọi thời đại gần 65.000 USD vào tháng 4 và đến nay đã giảm khoảng một nửa.
Trong khi giá các tiền ảo khác thường xuyên tăng giảm trong biên độ rộng, giá Tether thường chỉ dao động quanh ngưỡng 1 USD. Tuy nhiên, giá Tether không phải lúc nào cũng ổn định: đã có lần giá tiền ảo này sụt giảm, khiến nhà đầu tư hoảng sợ. Các nhà giao dịch tiền ảo thường dùng Tether thay cho USD để mua các tiền ảo khác. Về cơ bản, việc này mang lại cho họ một phương thức tìm kiếm sự an toàn ở một tài sản ổn định hơn, trong những thời điểm thị trường tiền ảo có sự biến động mạnh. Do tiền ảo là một tài sản chưa được điều tiết, nhiều ngân hàng không muốn quan hệ với các sàn giao dịch tiền ảo để tránh rủi ro. Đó là lý do những tiền ảo loại stablecoin như Tether được tạo ra để lấp chỗ trống.
Tổng giá trị của số Tether đang lưu hành là hơn 62 tỷ USD, lớn hơn lượng tiền gửi được bảo hiểm tại hàng nghìn ngân hàng ở Mỹ. Chỉ có 44 ngân hàng lớn ở Mỹ nắm lượng tiền gửi lớn hơn con số này, theo hãng tin Bloomberg. Từ lâu, đã có những mối lo ngại về việc liệu Tether có được sử dụng để thao túng giá Bitcoin. Một nghiên cứu cho rằng Tether đã được dùng để “đỡ” giá Bitcoin hồi năm 2017, góp phần đưa giá Bitcoin tăng chóng mặt trong năm đó. Đầu năm nay, văn phòng tổng chưởng lý bang New York đạt một thoả thuận với Tether và Bitfinex – một sàn giao dịch tiền ảo trực thuộc Ifinex. Trước đó, nhà chức trách New York cáo buộc Tether và Bitfinex dịch chuyển hàng trăm triệu USD để che đậy số tiền bị mất 850 triệu USD của khách hàng. Theo thoả thuận, Tether và Bitfinex nhất trí nộp phạt 18,5 triệu USD và bị cấm hoạt động ở bang New York, dù không thừa nhận bất kỳ cáo buộc nào.
Còn có những lo ngại rằng trong trường hợp nhà đầu tư bất ngờ rút ồ ạt Tether, ảnh hưởng sẽ lan rộng trên thị trường tài chính, tác động đến nhiều tài sản khác không riêng gì tiền ảo. Hồi tháng 6, ông Rosengren đề cập đến Tether và các stablecoin khác như một trong những rủi ro tiềm tàng đối với ổn định hệ thống tài chính. “Những đồng stablecoin đang ngày càng trở nên phổ biến”, vị quan chức Fed nói trong một bài thuyết trình. “Một cuộc khủng hoảng có thể dễ dàng xảy ra trong tương lai, khi những đồng tiền ảo này trở thành một bộ phận quan trọng hơn của thị trường tài chính, trừ phi chúng ta bắt đầu điều tiết chúng và đảm bảo rằng những thứ được quảng cáo ra công chúng, bao gồm stablecoin, có sự ổn định tốt hơn”, ông Rosengren nói. Tuần trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo rằng một đợt rút mạnh và bất ngờ đồng Tether có thể gây đảo lộn thị trường tín dụng ngắn hạn.
Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, ông Eric Rosengen, lên tiếng cảnh báo về Tether, gọi tiền ảo này là một rủi ro tiềm tàng đối với sự ổn định của thị trường tài chính. Nhiều nhà đầu tư tin rằng một sự mất mát niềm tin vào Tether có thể gây tác động nghiêm trọng và khó lường lên toàn bộ thị trường tiền ảo. Nói cách khác, những vấn đề liên quan đến Tether có thể tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp tiền ảo còn non trẻ, thậm chí có ảnh hưởng lan rộng, vượt khỏi lĩnh vực tiền số.
Tĩnh Kiên