Trái với bối cảnh khó khăn tại Việt Nam, tại nhiều quốc gia trên thế giới, một kế hoạch “mở cửa bầu trời” và chấp nhận “sống chung với lũ” bắt đầu được thí điểm.
Hàng loạt quốc gia Châu Âu cũng tuyên bố “mở cửa bầu trở” cho phép tự do đi lại, du lịch đối với những công dân đã có hộ chiếu vắc – xin. Nhờ đó, hàng không và du lịch Châu Âu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Rõ nét nhất là số lượng cổ động viên chật kín tại các khán đài trong giải EURO 2021.
Trong bối cảnh thế giới và các quốc gia khác đang dần hồi phục nhờ mở cửa trở thì Việt Nam lại gồng mình chống dịch với sự tàn phá khốc liệt lớn nhất từ trước đến nay do Covid – 19 gây ra. Hiện tại, mỗi ngày trong nước vẫn ghi nhận hàng trăm ca mắc mới và một số địa phương buộc phải phong toả. Trong khi, số lượng vắc – xin được tiêm chủng vẫn còn rất hạn chế.
Tại Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đầu tiên cho phép đón khách quốc tế trở lại, tuy nhiên, hàng khách phải có “hộ chiếu vắc -xin”. Nhờ chính sách này mà hãng hàng không Singapore Airlines có dấu hiệu hồi phục trở lại sau khi từng ngấp nghé bên bờ vực phá sản vào năm 2020. Đến tháng 6/2021, cổ phiếu hãng hàng không này đã tăng trở lại. Sau Singapore, ngày 1/7, Phuket – thiên đường du lịch của Thái Lan cũng chính thức đón khách quốc tế bất chấp “đất nước Chùa Vàng” vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan chỉ cho phép khách du lịch đã tiêm phòng covid – 19 và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được nhập cảnh vào đảo Phuket và được tự do di chuyển trên đảo mà không cần cách ly.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cay đắng thừa nhận: hãng có nguy cơ phá sản. Đây là nguy cơ hiện hữu khi năm 2020 ghi nhận mức lỗ 14.000 tỷ đồng. Đến Quý I/2021, Vietnam Airlines lỗ 4.800 tỷ đồng, dự kiến, 6 tháng đầu năm lỗ khoảng 10.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức lỗ trong 2 năm qua của đơn vị này lên tới 26.000 tỷ đồng. Trong khi, “lời hứa” được hỗ trợ 4.000 tỷ đồng vẫn “chờ giải ngân”.
Với Vietjet, năm 2021, cũng là “cơn ác mộng” chưa từng có, khi báo cáo tài chính hãng này ghi nhận mức thiếu hụt hàng nghìn tỷ đồng. Con số khá bất ngờ vì từ khi thành lập đến nay hãng này luôn tăng trưởng mạnh mẽ.
Còn đối với Bamboo Airways, mới đây, tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng thừa nhận khoản lỗ 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mức lỗ của Bamboo Airways có thể lớn hơn vì hãng này đang kinh doanh dưới giá vốn.
Hiện tại, tài chính của 3 hãng hàng không trên đã ở mức “báo động đỏ” khi chỉ số nợ ngắn hạn lên tới 36.000 tỷ đồng, riêng Vietnam Airlines nợ 20.000 tỷ đồng. Thế nhưng, không ai đảm bảo mức lỗ này chỉ dừng ở đây khi toàn ngành hàng không đang tê liệt, kiệt quệ mà chưa rõ ngày trở lại. Thử phép tính đơn giản sẽ thấy, hiện tại, với 80% máy bay đang đắp chiếu thì dù không bay các hãng vẫn phải trả phí đậu đỗ hơn 100 tỷ đồng/mỗi tháng. Chưa kể trả lương cho các cán bộ, phi công, tiếp viên, chi phí thuê các văn phòng, các dịch vụ khác…
Đến thời điểm này, mọi kịch bản, mọi dự báo đối với ngành hàng không đã bị phá sản bởi những làn sóng covid dồn dập lần 3 và lần 4. Với cơn sóng covid – 19 lần 3, oái ăm thay lại rơi đúng vào dịp cao điểm Tết Tân Sửu, vì thế, các hãng hàng không bị cắt giảm hàng nghìn chuyến bay và hoàn trả hành khách hàng nghìn tỷ đồng tiền vé.
Đến tháng 4/2021, đại dịch covid -19 thứ 4 bùng phát trở lại đúng cao điểm hè khiến các hãng hàng không “mất trắng mùa vàng”. Con số cay đắng ghi nhận từ Cục hàng không cho thấy, các hãng chỉ thực hiện được 4.900 chuyến bay (chủ yếu là chở hàng và chuyên gia), giảm tới 74% so với cùng kỳ.
Cương Nguyễn