Lợi nhuận của các nhà băng trong quý I/2021 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, dự báo quý II cũng sẽ tăng đột biến. Nhưng trong bối cảnh đại dịch doanh nghiệp đang thoi thóp vì lãi vay liệu lợi nhuận ngân hàng có thật sự tốt.
Thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 52.400 tỷ đồng, tăng gần 80% với 15 nhà băng có ghi nhận lãi trên 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tính bằng lần như SCB (gấp gần 7 lần cùng kỳ), MSB (gấp hơn 4 lần), Nam A Bank (gấp hơn 3 lần),… thậm chí Kienlongbank còn tăng trưởng gấp 12 lần cùng kỳ.
Tăng trưởng tín dụng, trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng tương đối tốt, lên tới 5,47%, trong khi huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Chi phí hoạt động của các NH năm nay tương đối thấp do dự phòng nợ xấu theo quy định của NHNN vẫn cho phép các NH không chuyển nhóm nợ của một số khách hàng nợ trả chậm. Từ đó dự phòng rủi ro thấp hơn thực tế trên sổ sách. Chênh lệch giữa dự phòng thực tế và dự phòng trên sổ sách được NHNN cho phép các NH hạch toán theo lộ trình 3 năm, nghĩa là cho đến cuối năm 2021 thì hạch toán 30% của chênh lệch này, sang năm hạch toán 70% và đến năm thứ 3 thì hạch toán 100%. Có nghĩa các NH không phải hạch toán chi phí dự phòng rủi ro đúng theo thực tế, mà theo hướng dẫn theo thông tư ban hành hồi đầu năm là được hoãn lại.
Lợi nhuận của một loạt ngân hàng được dự báo sẽ bật tăng mạnh trong quý II khi hoạt động cho vay bức tốc mạnh mẽ . Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,47%, cao hơn mức tăng 3,6% của cùng kỳ 2020. Hiện có khoảng 10 ngân hàng đã tăng trường tín dụng chạm trần từ đầu tháng 6 và đang đề xuất nới ”room”.
Tại ACB, tuy không tiết lộ con số mới nhất nhưng lãnh đạo ACB cho biết, lợi nhuận quý II/2021 của Ngân hàng đang được thực hiện theo kế hoạch đã đề ra, cho dù áp lực trích dự phòng rủi ro cao. Được biết, kết thúc quý I/2021, dự phòng rủi ro của ACB tăng 6,5 lần cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận vẫn tăng trưởng 61%, đạt hơn 3.104 tỷ đồng.
LienVietPostBank ước tính lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 1.700 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng lãi khoảng 340 tỷ đồng. Nếu đà này được duy trì trong tháng 6 thì lợi nhuận của LienVietPostBank nửa đầu năm sẽ vượt 2.000 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) cũng báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm với mức tăng trưởng kỷ lục: 2.800 tỷ đồng đồng lợi nhuận trước thuế, cao gấp 3 lần cùng kỳ 2020 và đạt 85% kế hoạch năm. Trong đó, riêng quý I/2021, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt gần 1.150 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.
Tại Vietinbank, trong Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của nhà băng này ước đạt 13.000 tỷ đồng. Lợi nhuận mà VietinBank tạo ra trong nửa đầu năm nay cao hơn khoảng 74% so với cùng kỳ 2020. Trước đó, trong quý 1/2021, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 8.060 tỷ đồng. Theo đó, ước tính lợi nhuận quý II/2021 của ngân hàng đạt khoảng 5.000 tỷ, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận dự kiến tăng mạnh đến từ hoạt động tín dụng – nguồn thu chính của các ngân hàng và dịch vụ, trong đó mảng bán chéo bảo hiểm của nhiều ngân hàng gồm VCB, CTG, ACB, MSB và HDB được kỳ vọng cao. Tính đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng 5,1% so với cuối năm 2020, cao gấp đôi so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020 (2,26%). Nhiều ngân hàng chưa hết 6 tháng đã dùng gần hết hoặc hết room tín dụng tăng trưởng của cả năm và đang xin NHNN cấp cho room mới.
Dù chưa kết thúc quý 2/2021 song lợi nhuận ngân hàng được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp Covid-19.
Cương Nguyễn