Suy thoái có thể được nhận ra trong nhiều lĩnh vực, đơn cử như sự nhảy vọt về giá vàng, sự tăng giá của những cổ phiếu hưởng lợi từ Covid-19 hay sự chuyển dịch đầu tư vào các bất động sản cốt lõi, ít rủi ro với khả năng sinh lời ổn định hay là động lực để sinh ra “bong bóng” bất động sản.
Theo lý giải của Bộ Xây dựng, xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn và còn nhiều cơ hội phát triển. Năm 2021 đã ghi nhận về sự chuyển dịch đầu tư này, với 71% thương vụ đầu tư bất động sản trên toàn cầu trong 3 tháng đầu năm tập trung vào các sản phẩm đầu tư cốt lõi, tạo thu nhập ổn định và ít rủi ro. Các nhà đầu tư thường ít quan tâm đến các cơ hội phát triển ngay sau cuộc khủng hoảng.
Đại dịch và cuộc khủng hoảng lần này đã thúc đẩy sự bùng nổ của một số xu hướng sẵn có trước đó, đơn cử như chuyển hướng đầu tư từ bán lẻ tại cửa hàng truyền thống sang các dịch vụ hậu cần hay việc phát triển không gian làm việc tập trung vào sức khoẻ tinh thần và thể chất người lao động. Điều này đã thúc đẩy một số lĩnh vực của thị trường BĐS trở thành phân khúc đầu tư sinh lời cốt lõi và ít rủi ro, với số lượng lớn đầu tư bất động sản năm 2021 tập trung vào các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, khoa học đời sống, dân cư. Thông thường, các nhà đầu tư khá chậm trong việc nhận ra các xu hướng hậu suy thoái, và trở nên thận trọng trước các tín hiệu phục hồi. Nhà đầu tư an toàn sẽ tiếp tục hướng đến các loại hình BĐS sinh lời ít rủi ro, trong khi các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ có chiến lược phân bổ vào các phân khúc như nhà ở, khách sạn, nhà ở sinh viên và BĐS công nghiệp. Kịch bản phát triển tiếp theo sẽ khá dễ đoán. Khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư tập trung đầu tư các BĐS ít rủi ro thì giá sẽ bắt đầu tăng và lợi nhuận đồng thời giảm xuống. Nhà đầu tư sẽ sớm nhận ra rằng các tài sản cốt lõi ít rủi ro khi đầu tư sẽ có hiệu suất sinh lời thấp, và khi các nền kinh tế phục hồi, sức hấp dẫn của các tài sản có lợi nhuận cao hơn sẽ tạo ra rủi ro đối với các loại tài sản này.
Biến động tạo “bong bóng”?
Dòng tiền đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản, giá đất nền tiếp tục gia tăng trong khi đó giá căn hộ cũng chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Liệu thị trường bất động sản Việt Nam đang có dấu hiệu của bong bóng? Mức giá nhà biến động mạnh theo chiều hướng gia tăng. Trong báo cáo về thị trường bất động sản quý I/2021 của Bộ Xây dựng, tình trạng giá căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng đều theo tháng được ghi nhận. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều tăng do khan hiếm nguồn cung, dự án mới được mở bán.
Trong khi đó, giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như: vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%), Thanh Hóa; TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,… Đáng lo ngại, đó là giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.
Dòng tiền cũng có xu hướng ra khỏi các lĩnh vực khác, với rủi ro về dư thừa nguồn cung, đặc biệt là phân khúc thường dễ bị tác động như bất động sản bán lẻ. Việt Nam là thị trường mới nổi, sẽ có nhiều đòn bẩy cho các hoạt động kinh tế hơn bởi cung và cầu vẫn chưa giữ được ở mức ổn định nhất định. Với lợi thế về dân số trẻ, tốc độ đô thị hoá nhanh, tăng trưởng thu nhập, ổn định chính trị và sự phát triển cơ cấu của các loại tài sản, Việt Nam đang hưởng lợi từ chu kỳ đầu tư lần này, đặc biệt trong các phân khúc bất động sản chăm sóc sức khoẻ, khoa học đời sống, dân cư và thậm chí cả giáo dục.
Có hay không dấu hiệu của bong bóng bất động sản là chủ đề nhận được sự quan tâm của giới chuyên gia và đầu tư. Theo các chuyên gia, nhìn vào diễn biến của thị trường bất động sản Việt Nam, một số tín hiệu đang cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra bong bóng. Đầu tiên đó là dòng tiền đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản. Cụ thể, dù dịch bệnh nhưng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản cao hơn so với năm trước đó. Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng ghi nhận, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản tính đến tháng 3/2021 tăng cao hơn so với cùng kỳ tháng 3 năm 2020 là 15,56%. Tổng vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản trong quý I/2021 là 0.6 tỷ USD tăng 56% so với cùng kỳ (tháng 3/2020 là 0.264 tỷ USD).
Trong khi đó, dòng tiền trong nước cũng đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản. Không ít người dân còn mạnh tay sử dụng đòn bẩy tài chính để bỏ tiền vào lĩnh vực bất động sản. Còn theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ tăng tín dụng của quý I/2021 đang cao hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước và với mức tăng này, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng. Tín dụng lĩnh vực bất động sản là 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020 (kinh doanh bất động sản tăng 2,82%).
Cương Nguyễn