Đại dịch Covid-19 đã làm ngưng trệ sản xuất, doanh nghiệp thiếu việc làm, một bộ phận lao động phải nghỉ việc, một bộ phận làm việc bán thời gian. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần có giải pháp sắp xếp lại lực lượng lao động phù hợp với khối lượng sản xuất và những thay đổi trong điều kiện bình thường mới.
Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp. HCM và Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tp.HCM, có đến 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng cả về hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động liên quan đến nhân sự.
Trong quý 1/2021, vẫn có hiện tượng đóng băng tuyển dụng tại một số các doanh nghiệp và tập trung vào việc phát triển cho đội ngũ nhân sự hiện tại. Việc giảm nhân sự tập trung vào công nhân và nhân viên phổ thông. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhật còn chọn các biện pháp như giảm lương, cho phép nhân viên làm việc luân phiên… Dịch Covid -19 lần thứ tư đã tác động mạnh tới thị trường lao động và sản xuất kinh doanh tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Tính đến nay, tỉnh Bắc Giang buộc phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp có 322 doanh nghiệp với tổng số gần 150.000 lao động tạm ngừng việc, tỉnh Bắc Ninh có 42.000 lao động trên tổng số 320.000 lao động phải ngừng việc. Tp.Hải Phòng có hơn 30.000 lao động bị ảnh hưởng tiêu cực; tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc… một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.
Báo cáo “Một năm sau tác động của Covid-19: thách thức và cơ hội đối với các ứng viên tìm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam” do Navigos Group phát hành đã chỉ ra rằng ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp mới của Nhật có kế hoạch tìm hiểu và phát triển kinh doanh tại Việt Nam đang tạm dừng lại.
Báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho thấy dịch bệnh tác động mạnh vào những ngành, nghề, khu vực, nhóm lao động chủ yếu, số lượng người có việc làm phi chính thức gia tăng do nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động thời gian dài. Có 19,9% lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19% lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng. Lao động ở khu vực thành thị cũng chịu bị tác động mạnh của dịch Covid-19 khi phải tiến hành các biện pháp phòng dịch tại các nhà máy, công xưởng. Một số ngành bị ảnh hưởng mạnh như nghệ thuật, vui chơi giải trí thu nhập của lao động bị giảm 5,2%, vận tải kho bãi thu nhập của lao động giảm 2,7%, dịch vụ lưu trú, ăn uống doanh thu giảm 3%, du lịch lữ hành doanh thu giảm 60,1%. Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng, hiện có 40.000 lao động đã hoàn tất các thủ tục, nhưng chưa thể xuất cảnh.
Chiều 24/6, tại kỳ họp thứ nhất của HĐND TP.HCM khóa X, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã báo cáo tờ trình về một số chế độ, chính sách, đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động. Theo đó, UBND TP đề xuất hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày (áp dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng) đối với lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội; người lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn TP không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng.
Tác động của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước phải tạm ngừng sản xuất, cho công nhân nghỉ việc hoặc giãn việc. Doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa bước vào Việt Nam lên kế hoạch tìm hiểu và phát triển kinh doanh cũng phải tạm dừng lại.
Nhật Hạ