Thị trường bất động sản đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Đáng lo ngại nhất là “sức khoẻ” chung của nền kinh tế đang bị ảnh hưởng khi các chuỗi cung ứng sản xuất đứt gãy, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Nếu tình hình dịch bệnh chưa chấm dứt, nguy cơ về một kịch bản xấu có thể xảy ra với thị trường bất động sản.
Những lần trước đó đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng nhìn chung dịch bệnh đều được kiểm soát cơ bản, nhanh chóng. Trong khi đó, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 có mức độ nguy hiểm và kéo dài hơn. Nếu doanh nghiệp không dự trù kịch bản khác nhau, sẽ khó “trụ” lại trước cơn bão Covid-19.
Dù đưa ra dự báo đầy cẩn trọng về thị trường bất động sản trong giai đoạn tới, các chuyên gia vẫn kỳ vọng vào chương trình tiêm vaccine sẽ sớm tạo ra hiệu quả tích cực. Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất quay trở lại quỹ đạo thông thường, thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi và sôi động trở lại. Cơn sốt đất để lại nhiều hệ lụy với mức giá mới được thiết lập trên thị trường. Các nhà đầu tư sẽ có xu hướng thăm dò, đợi thị trường điều tiết trở về trạng thái cân bằng. Đó cũng sẽ là khoảng trầm của thị trường. Đáng lẽ lúc này, giá bất động sản phải xuống thấp để đáp ứng nhu cầu ở thực của nhiều người dân trong xã hội. Thị trường bất động sản đang không đồng hành cùng với sức khỏe của nền kinh tế. Diễn biến của thị trường bất động sản đang tạo ra sự vênh đối với nền kinh tế.
Với tình hình thị trường “nguội” như hiện nay, thận trọng quan sát và thong thả tìm kiếm sản phẩm phù hợp là hướng đi tốt nhất thay vì lao vào săn hàng cắt lỗ hay chạy theo hiệu ứng đám đông. Bởi vì thị trường ít có sản phẩm mới chất lượng, các giao dịch thứ cấp lại bị đội giá cao sau nhiều lần sang tay, không còn đủ hấp dẫn để nhà đầu tư này tìm đến. Các sản phẩm rao bán cắt lỗ, giảm sâu thường có chất lượng không tương xứng với giá trị hay pháp lý có vấn đề. Thêm vào đó, nhiều khu vực có giá bán tăng nhanh, hình thành mức “ảo”, dù có cắt lỗ cũng vẫn vượt xa giá trị thật, nhà đầu tư có kinh nghiệm sẽ càng thận trọng hơn với các sản phẩm rao bán kiểu này.
Đã hơn 2 tháng kể từ thời điểm làn sóng Covid-19 xuất hiện trở lại, thị trường bất động sản tại một số địa phương gần như chững lại. Tâm lý e ngại và thăm dò của nhiều nhà đầu tư cũng khiến họ trở nên thận trọng xuống tiền đầu tư. Việc dịch bệnh bất ngờ bùng phát trở lại khiến chính quyền các địa phương phải tính đến phương án giãn cách xã hội, riêng TPHCM tiếp tục đợt giãn cách thứ hai cho đến hết tháng 6/2021. Thực tế này như “dội gáo nước lạnh” vào không khí hồ hởi của thị trường khi các dự án mới đang nối nhau ra hàng.
Trong quý 1 vừa qua, nguồn cung căn hộ mới tại TP. Hồ Chí Minh giảm mạnh 52,9% so với cùng kỳ xuống còn 1.709 căn; dẫn đến lượng căn hộ tiêu thụ giảm 30,9% so với cùng kỳ (2.624 căn). Theo quan sát, đây là quý thứ 5 liên tiếp TP. Hồ Chí Minh không có nguồn cung mới ở phân khúc bình dân. Tỷ lệ hấp thụ vụt lên 153,5% trong quý 1/2021, tăng 77,0 điểm % so với quý trước, cho thấy nhu cầu nhà ở vẫn đang ở mức cao. Giá trung bình căn hộ sơ cấp quý 1 tăng 2,9% so với quý trước, tăng 14,6% so với cùng kỳ đạt 2.219 USD/m2.
Điều đáng nói là trong khi lượng căn hộ tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh ảm đạm thì tại thị trường Hà Nội sức hấp thụ căn hộ lại đang phục hồi đáng kể. Trong quý vừa qua, lượng căn hộ tiêu thụ tại Hà Nội phục hồi mạnh mẽ và có mức tăng mạnh tới 169,7% so với cùng kỳ lên 4.152 căn, nhờ nguồn cung mới tăng đáng kể 93,7% so với cùng kỳ (4.421 căn).
Phân khúc trung cấp tiếp tục thống lĩnh thị trường với số căn mới tăng 447,7% so với cùng kỳ lên 3.527 căn, chiếm 79,8% nguồn cung mới. Tỷ lệ hấp thụ vẫn duy trì ở mức tích cực 93,9% (giảm 3,4 điểm % so với quý trước). Giá trung bình căn hộ sơ cấp tăng 3,5% so với quý trước và tăng 7,0% so với cùng kỳ lên 1.461 USD/m2. Không chỉ có phân khúc căn hộ chung cư ở Hà Nội ngược chiều so với TP. Hồ Chí Minh mà ngay cả phân khúc nhà xây sẵn ở 2 thành phố này cũng có sự đối lập. Số liệu được đưa ra trong báo cáo cho thấy, trong quý 1 vừa qua, nguồn cung mới nhà xây sẵn tại TP. Hồ Chí Minh giảm 51,0% so với cùng kỳ xuống chỉ 170 căn, kéo lượng giao dịch giảm 75,2% so với cùng kỳ.
Những người quan tâm đến thị trường bất động sản chắc hẳn vẫn còn nhớ cơn sốt đất những tháng đầu năm 2021. Thời điểm đất sốt “điên đảo”, giá tăng cao bất ngờ và rồi sau đó thị trường để lại sự ảm đạm.
Cương Nguyễn