Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 – Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do Báo Tiền phong và Hiệp hội ngân hàng tổ chức sáng 23/6. Theo hiệp hội doanh nghiệp, COVID-19 khiến doanh nghiệp kiệt quệ, trên bờ vực phá sản, doanh nhân thành con nợ.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đang rất khó khăn, bên bờ vực phá sản.
Trước dịch COVID-19, có hơn 17 triệu lượt khách đến Nha Trang, khi dịch đến không có bóng dáng du khách nước ngoài nào. Ảnh hưởng dịch, 95% khách sạn đóng cửa, chưa đầy 5% hoạt động, đăng ký làm cơ sở cách ly. Ông Vinh nói thêm, với tình hình hiện tại, du lịch không có khách, doanh nhân có khả năng thành con nợ, ông chủ thành con nợ. Hầu như các doanh nghiệp đều bên bờ phá sản, vì vậy ông rất mong ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tiếp cận khoản vay không lãi suất, và đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN (khoanh nợ và giảm nợ, giảm lãi suất).
Giai đoạn vừa qua, lãi suất chưa bao giờ thấp như bây giờ, nhưng cơ hội để vay và phục hồi sản xuất rất khó. Bởi lẽ, tài sản thế chấp là vấn đề lớn, chỉ dùng để đi vay được khoản ban đầu, nhưng đọng vốn rồi đi vay rất khó. Doanh nghiệp phải có sức mới có thể chống chọi được trong tình hình hiện nay.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) được Quốc hội ban hành ngày 21/06/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017, trên 3 năm đi vào thực tiễn, đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Theo đó, Nghị quyết có hiệu lực, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với ngành Ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42; cùng với những quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010), khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại được hoàn thiện; kê biên, hoàn thiện thủ tục pháp lý, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp nhất. Nghị quyết 42 cũng cho khách hàng thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm trả nợ của mình.
Trong báo cáo của các ngân hàng cho thấy, con số nợ xấu trong quý I/2021 khá tích cực trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, việc thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN” sẽ đẩy áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch lần này, có thể tình hình nợ xấu sẽ gia tăng nhanh, trong khi các khoản nợ nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý được. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành Ngân hàng.
Toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu (66% số nợ) xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng (54%), ngoại bảng (21%) bán cho VAMC (25%).
Tĩnh Kiên