Các hãng hàng không Việt đều đối mặt tình trạng nợ nần chồng chất, cầm cự để vượt khủng hoảng trong hoàn cảnh đại dịch.
Dù có những động thái tích cực khi Chính phủ các nước đang tăng cường lộ trình vaccine, mở cửa biên giới, nhưng bóng đen Covid vẫn bao phủ toàn cầu.
Trong nửa đầu năm 2021, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho rằng tình hình vô cùng bi đát, khi dự kiến số lỗ ròng sau thuế của ngành hàng không trong năm 2021 lên đến gần 48 tỷ USD, cao hơn mức 38 tỷ USD đưa ra hồi tháng 12/2020. Nguyên nhân mức lỗ dự kiến cao hơn so với con số đưa ra trước đây là do những khó khăn trong việc kiểm soát các biến thể virus mới, cũng như việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại một số khu vực chậm hơn so với kế hoạch đề ra.
Tàu nằm sân la liệt, số chuyến bay vận hành ở mức thấp nhất, không thể hãng nào kiếm được lãi, chỉ có lỗ và lỗ bao nhiêu! Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định “với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, tâm lý khách hàng thay đổi, dự báo hoạt động hàng không năm 2021 vẫn hết sức khó khăn và hy vọng đến 2024 mới phục hồi trở lại như trước khi chưa có dịch”.
Mọi tâm điểm chú ý đều đang dồn vào Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định rằng: Số lỗ 6 tháng đầu năm của Vietnam Airlines có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng khiến Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn. Tại nhiều cuộc hội thảo về ngành hàng không, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Vietnam Airlines với cơ cấu cổ đông nhà nước “cô đặc”, chi phối đến 86%, chịu sự kiểm soát của nhiều bộ, ngành về sản xuất kinh doanh, nên khi có rủi ro xảy ra, muốn chủ động xử lý linh hoạt tình huống như bán tài sản, phát hành thêm cổ phiếu….cũng không thể nhạy bén, tinh nhanh như các doanh nghiệp tư nhân được, mà phải xin ý kiến của tất cả các bộ, ngành liên quan. Mặt khác, Vietnam Airlines có quy mô vận chuyển trong và ngoài nước chiếm đến 50% thị trường hàng không quốc gia. Với quy mô đội bay lớn nhất nước, hơn 100 tàu bay, dẫn đến thua lỗ đương nhiên cao hơn các hãng khác.
Soi lại báo cáo quý 1/2021 của hai hãng hàng không niêm yết trên sàn chứng khoán là Vietnam Airlines, có thể thấy rõ tình trạng kiệt quệ của các hãng hàng không hàng đầu này. Vietnam Airlines ghi nhận 7.528 tỷ đồng doanh thu, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lên đến 11.329 tỷ đồng, dẫn đến ghi nhận lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh lên đến 3.869 tỷ đồng. Cuối tháng 3/2021, Vietnam Airlines ghi nhận khoản nợ phải trả lên đến 59.549 tỷ đồng, tăng 5,4% so với hồi đầu năm, vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.030 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm có thể lỗ tới 10.000 tỷ đồng. VietJet Air nợ 32.868 tỷ đồng, tăng 8,7% so với hồi đầu năm.
Các khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng đều tăng mạnh, hoặc cho vay mới trong năm 2020, tổng dư nợ tăng từ 1.274 tỷ đồng lên 6.793 tỷ. Trong đó dư nợ tại Vietcombank tăng từ 769 tỷ đồng lên hơn 2.700 tỷ, tại BIDV tăng từ 345 tỷ lên hơn 1.100 tỷ; tại Tecchombank tăng từ mức 113 tỷ lên 849 tỷ đồng; ở SeABank từ 36 tỷ lên hơn 460 tỷ đồng. Riêng khoản vay từ MSB (239 tỷ), MB (369 tỷ) và Ngân hàng Bangkok Đại Chúng (110 tỷ) là các khoản vay mới phát sinh.
Với các khoản vay dài hạn, Vietcombank đang là chủ nợ lớn nhất với dư nợ 4.841 tỷ đồng, tiếp đến là BIDV với 1.534 tỷ, Eximbank 832 tỷ, MB hơn 501 tỷ, VietinBank hơn 426 tỷ, VRB hơn 302 tỷ, Indovina hơn 254 tỷ, VIB hơn 171 tỷ, TPBank hơn 62 tỷ, Techcombank hơn 46 tỷ, MSB hơn 19 tỷ đồng. Ngân hàng VPBank và Agribank cũng còn dư nợ dài hạn tại HVN nhưng chỉ rất ít, lần lượt 2,6 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng.
Ngoài các khoản vay từ ngân hàng, HVN còn nợ thuê tài chính dài hạn ở các tập đoàn tài chính nước ngoài tổng cộng hơn 18.200 tỷ đồng, trong đó chủ nợ lớn nhất là Tập đoàn ING hơn 8.100 tỷ, Citibank hơn 5.793 tỷ đồng, Ngân hàng MUFG hơn 1.667 tỷ, JP Morgan Chase hơn 1.287 tỷ, HSBC hơn 1.163 tỷ đồng…
Năm 2019, Vietnam Airlines đã có nhiều điểm sáng trong sản xuất kinh doanh. Tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất cao nhất từ trước tới nay. Các khoản nộp ngân sách đạt 7.369 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018. Tính cả giai đoạn 2015 – 2019, Vietnam Airlines đã nộp ngân sách nhà nước 30.535 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu như trong giai đoạn 2015-2018, Vietnam Airlines luôn dẫn trước Vietjet về khoản nộp ngân sách, thì đến năm 2019, hãng hàng không quốc gia đã tụt xuống vị trí thứ 2.
Trong năm 2019, số tiền thu nộp ngân sách của Vietjet lên tới 9.023 tỷ đồng, vượt qua Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không nộp ngân sách cao nhất. Trong khi đó Bamboo Airways, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2019, đã đóng góp vào ngân sách số tiền 1.562 tỷ đồng.