Nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có điểm tương đồng với giai đoạn bùng nổ năm 2007, sau đó đổ vỡ vào đầu 2008 và đi vào giai đoạn thoái trào đến tận 2015. Thị trường đang rất hấp dẫn khi dấu hiệu tăng mạnh gần đây.
Theo FiinGroup, trong giai đoạn 2006 – 2007, thị trường nhận được ủng hộ từ cả dòng vốn nội và nhà đầu tư nước ngoài trong khi giai đoạn hiện nay dòng tiền chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước còn khối ngoại hầu như luôn trong tâm thế xả hàng.
Cục diện thị trường hiện nay đã khác trước rất nhiều. Cụ thể, các chỉ số định giá tại thời điểm cuối quý I/2007 – khi VN-Index dao động quanh mức 1.130 ở mức rất cao so với giai đoạn hiện nay. “P/E của VN-Index lúc đó ở mức 31,4x và P/B ở mức 8,9x với chỉ gần 140 cổ phiếu niêm yết có tổng vốn hóa khoảng 364 nghìn tỷ đồng và thanh khoản hàng ngày bình quân 1,2 nghìn tỷ đồng. Hiện nay độ rộng của thị trường đã tăng gấp khoảng 17 lần về thanh khoản, 14 lần về vốn hóa và 9 lần về số lượng tài khoản chứng khoán trong khi mức định giá ở mức thấp và hợp lý hơn nhiều lần.
Riêng cổ phiếu ngân hàng lúc đó với hai ngân hàng niêm yết, có định giá P/E chỉ ở mức 21x nhưng P/B ở mức lên tới 9,6x. Trong khi hiện nay 27 ngân hàng niêm yết tại thời điểm hiện tại có P/E chỉ 15,5x và P/B ở mức 2,6x”, dữ liệu từ báo cáo cho biết. Nhóm phân tích cũng lưu ý ngành ngân hàng đóng góp tới 43% cơ cấu lợi nhuận năm 2021 toàn thị trường trong khi câu chuyện tăng trưởng của khối phi ngân hàng có độ chắc chắn cao hơn trong bối cảnh hiện nay.
Việc theo dõi tình hình kinh doanh trong quý II/2021 và các thay đổi chính sách liên quan có ảnh hưởng như lãi suất huy động, tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu, khả năng tiếp tục duy trì tăng trưởng lợi nhuận cũng như hoạt động phát hành pha loãng sẽ là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư cần theo dõi và đánh giá ảnh hưởng đến tâm lý thị trường nói chung và đến các chỉ số nền tảng này của thị trường.
Theo các nhà phân tích của FiinGroup, mặc dù đã tăng mạnh gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có mức định giá rất hấp dẫn về trung hạn trong mối tương quan với triển vọng lợi nhuận 2021 và 2022. “Mức định giá P/E chưa ở mức quá cao trong bối cảnh tiền rẻ, dư thừa cung tiền và nhu cầu đầu tư tăng cao của người dân”, nhóm phân tích cho hay. Với P/E 18,6x và P/B 2,8x thì VN-Index hiện đang được giao dịch thấp hơn trong tương quan với lợi nhuận, nhưng cao hơn đáng kể trong tương quan với giá trị sổ sách so với các thị trường trong khu vực.
FiinGroup cũng lưu ý, rất ít thị trường trong khu vực có thể có được dự báo triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 20,6% cả năm 2021 và 33,4% trong năm 2022. Điều này có lẽ đã làm nên sự khác biệt cho câu chuyện của Việt Nam khi VN-Index là chỉ số có mức tăng lớn nhất từ đầu năm 2021 so với các thị trường mới nổi.
Triển vọng tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những nguy cơ lớn, trong đó, việc đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ là nguy cơ lớn nhất. Từ đầu tháng 3/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo châu Âu về làn sóng lây nhiễm thứ 3 khi số ca mắc mới tăng cao kỷ lục ở nhiều quốc gia tại châu Âu cho thấy tính chất phức tạp và khó lường của đại dịch. Trong thời gian gần đây, các nước Đông Nam Á láng giềng như Campuchia, Lào và Thái Lan phải kích hoạt báo động đỏ trước làn sóng bùng phát dịch COVID-19 sau thời gian tạm lắng. Vì vậy, diễn biến của TTCK phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, nhu cầu của thị trường, đặc biệt là sức mua của nhà đầu tư trong nước cần đủ lớn để giữ đà cho nhịp tăng trưởng của TTCK trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng mạnh trên TTCK thời gian qua.
Nhật Hạ