Dù phải chật vật với nhiều thử thách dưới áp lực của dịch bệnh, song đây chỉ là sự chững lại ngắn hạn của thị trường bất động sản trong nước. Mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu.
Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc. Dù giá bất động sản trên thị trường có sụt giảm như giai đoạn 2009 – 2010, có những khu vực bị rớt giá 20 – 30% trong giai đoạn khó khăn, thì phân khúc căn hộ để ở vẫn là tâm điểm nóng nhất, sở hữu sự săn đón của nhiều nhà đầu tư với xu hướng giá bất động sản liên tục tăng theo thời gian. Với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, trong 6 tháng cuối năm, ảnh hưởng kéo dài từ ba đợt dịch trước đến nay khiến phân khúc này vẫn chịu những ảnh hưởng nặng nề cho dù tình hình dịch bệnh có được kiểm soát hiệu quả. Thị trường bán lẻ, các trung tâm thương mại, siêu thị truyền thống cũng sẽ gặp khó khăn lớn khi phải cạnh tranh với những phương pháp bán hàng trực tuyến, các nền tảng công nghệ tiên tiến.
Phần lớn giao dịch sẽ chủ yếu là các nhà đầu tư dài hạn – những người có tiền tích trữ trong ngân hàng hoặc nhiều nguồn khác để đầu tư. Đây sẽ là nhóm khách hàng được hưởng lợi từ xu hướng giá bất động sản liên tục tăng. Tuy nhiên, bộ phận này vẫn không thể đại diện cho toàn bộ thị trường nhà ở, căn hộ trong nước. Nếu quý I/2021, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan cho việc khôi phục thì giữa quý II/2021, làn sóng COVID-19 thứ 4 bất ngờ bùng phát mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, khiến nền kinh tế toàn quốc nói chung và thị trường bất động sản nói riêng lâm vào thế khó.
Hiện kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động. Với những NĐT chuyên nghiệp, gạo cội có dòng vốn tốt vào thị trường BĐS lúc biến động sẽ không quá lo lắng, áp lực ra hàng. Còn với NĐT mới (nhà đầu tư F0) hoặc các NĐT có kinh nghiệm dưới 3 năm với BĐS rất dễ “ngao ngán” trong bối cảnh thị trường như hiện nay. Mặc dù theo hầu hết các chuyên gia trong ngành là thị trường nhà đất chưa có tình trạng bán tháo, cắt lỗ ồ ạt nhưng rõ ràng khó khăn của thị trường trải qua cũng khiến không ít NĐT lo lắng.
Giữa lúc thị trường đang gặp thách thức và khó khăn, kết hợp với những cơn sốt đất hạ nhiệt, NĐT nên chuẩn bị nguồn dòng vốn hướng tới đầu tư trung – dài hạn. Tại thời điểm dịch bệnh đang diễn ra, nhà đầu tư nên cẩn trọng trước mỗi quyết định giao dịch. Có một thực tế đang diễn ra, trong khi giá đất có dấu hiệu chững lại thì giá nhà vẫn ghi nhận tăng trên diện rộng. Mức giá này được giới chuyên môn dự báo vẫn sẽ tiếp tục leo cao trong thời gian tới. Điều này đang rấy lên mối lo ngại cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Trong khi đó, việc thiếu vắng kênh thông tin chính thống về thị trường vẫn đang là một thách thức.
Bộ Xây dựng mới đây cũng đưa ra nhận định, mặc dù hiện tượng sốt đất nền chỉ diễn ra ở quy mô cục bộ của từng khu vực, dự án nhưng cũng cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của thị trường cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng lan rộng, mất kiểm soát, trở thành “bong bóng” bất động sản.
Cương Nguyễn