Không cho hủy/sửa lệnh, nhà tạo lập cho các sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW), chứng chỉ quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF) như người mù dò đường không khác gì HoSE đang “bịt mắt” nhà đầu tư. Lấy đâu ra cơ chế thị trường minh bạch cho nhà đầu tư? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho vấn đề này?
Thị trường tuần qua là tuần “thị phi” đối với HOSE khi bảng điện tử liên tục gặp tình cảnh đơ, giật (lag), không chỉ nghẽn lệnh mà còn hiển thị các giao dịch chậm hàng chục phút theo thời gian thực.
Ủy ban gần như im lặng khi nhà đầu tư bức xúc vì nghẽn lệnh, hay tin đồn “căng” margin đã diễn ra nhiều lần, chưa kể các thông tin về kho hàng cho vay tới tỷ lệ 1:8, tức vay gấp 8 lần vốn bỏ ra để chơi chứng khoán. Đây được cho là một nhân tố khiến thị trường đảo chiều mạnh vào phiên thứ Hai, ngày 7/6.
Như phiên sáng 7/6, VN-Index đứng yên từ 9h45 đến 11h với mức tăng 2 điểm, thanh khoản 4.500 tỷ đồng, nhưng 15 phút trước giờ nghỉ trưa, chỉ số đột ngột hiển thị mức giảm 25 điểm – mạnh nhất kể từ cuối tháng 4 trở lại đây. Tình trạng đơ tiếp diễn trong phiên sáng 8/6, khi các mức giá đặt lệnh, giá khớp, khối lượng hiển thị không thể hiện kịp thời. Đơ bảng điện, nghẽn lệnh, trả lệnh chậm, dẫn đến tiền và hàng bị “treo”, sau đó tạo thành hiệu ứng quả cầu tuyết, thị trường lao dốc, khi nhiều nhà đầu tư do không thể đặt lệnh sửa/hủy nên buộc phải đặt lệnh MP, loại lệnh sẽ liên tục khớp tại bất cứ mức giá nào, miễn là có lệnh giao dịch đối ứng. Kết thúc phiên, chỉ số mất 40 điểm, đánh bay kết quả tăng điểm của tháng 5. Ngay khi giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tắc nghẽn hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), cụ thể là các công ty chứng khoán cắt chức năng sửa/hủy lệnh trực tiếp của khách hàng được đưa ra sau phiên ngừng giao dịch chiều 1/6/2021, nhiều nhà đầu tư lâu năm lắc đầu chán nản.
Tình trạng “giao dịch mù” càng khiến cho nhà đầu tư hoảng loạn hơn, thậm chí, thị trường còn ghi nhận nhiều trường hợp phải sử dụng lệnh MP (bán ra bằng mọi giá) làm điểm số giảm sâu hơn, từ đó, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Đến khi bảng điện hiện thị, cổ phiếu hồi phục thì ngậm ngùi khớp giá sàn vì không thể hủy/sửa lệnh. Theo những nhà đầu tư có kinh nghiệm, điều này tiềm ẩn rủi ro cực lớn, bởi khi thị trường xuống nhà đầu tư sẽ bán bằng mọi giá khi không thể hủy, sửa lệnh. Tình trạng nghẽn lệnh kéo dài hơn nửa năm nay, đặc biệt, từ đầu tháng 6 đến nay, tình trạng hệ thống HoSE liên tục gặp trục trặc. Dù vậy, đến nay, lãnh đạo sàn HoSE chưa có một lời xin lỗi chính thức khiến hàng loạt nhà đầu tư bày tỏ phẫn nộ, không phục năng lực của những người lãnh đạo sàn HoSE và đề nghị từ chức.
Sau khi thử nghiệm việc dừng sửa/hủy lệnh, số lệnh hủy giảm một nửa so với trước, giúp tính an toàn hệ thống và thanh khoản thị trường tăng cao, đến ngày 4/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE họp với 20 công ty chứng khoán hàng đầu, yêu cầu các công ty này cắt chức năng sửa/hủy lệnh trực tiếp của nhà đầu tư trên hệ thống. Nhà đầu tư đã bị “bắt nạt”, thay vì được bảo vệ quyền lợi, cảnh báo rủi ro. Đáng ngại hơn, khi mà việc cắt chức năng sửa/hủy lệnh của nhà đầu tư vào ngày 2 – 3/6 bắt đầu được thử nghiệm ở một số công ty chứng khoán lớn, thanh khoản tăng và thị trường tăng điểm, thì cuối tuần đó, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bất thình lình tiết lộ con số dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) toàn thị trường là hơn 112.000 tỷ đồng và cảnh báo nguy cơ thị trường đảo chiều.
Cực kỳ lộn xộn là tình trạng hạn chế hủy/sửa lệnh diễn ra không đồng loạt ở khối công ty chứng khoán và không đồng đều ở các kênh giao dịch. Phần lớn nhà đầu tư không thể sửa/hủy lệnh, nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn được thực hiện qua kênh môi giới bình thường, dẫn đến bất bình đẳng trong giao dịch. Bị nhà đầu tư phản ứng dữ dội, các công ty chứng khoán đã mở lại tính năng sửa/hủy lệnh, chỉ còn kiểm soát theo khung giờ nhất định theo yêu cầu của HOSE.
ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, sự cố nghẽn lệnh chính là kết quả của sự yếu kém về năng lực quản trị của HoSE. “Thị trường chứng khoán bị tổn thương suốt thời gian qua vì tình trạng nghẽn lệnh xảy ra hàng ngày; điều này bắt nguồn từ năng lực quản trị, điều hành của ban lãnh đạo HoSE”, ông Hải chỉ rõ. Sự cố hệ thống giao dịch không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà có ở nhiều nước trên thế giới. Như cuối năm 2020, Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo phải dừng hoạt động. Ngay lập tức, ông Koichiro Miyahara (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc) nhận trách nhiệm, xin lỗi, sau đó từ chức. Tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư cho hay, muốn nghe lời xin lỗi chính thức vì thiệt hại thật nhưng có vẻ không ai thấy có lỗi.
“Những sự cố kéo dài suốt thời gian qua chủ yếu là do con người. Tuy nhiên, từ hồi đó tới giờ, chưa thấy ai đứng ra xin lỗi hay nhận trách nhiệm”, Chủ tịch VAFI cho hay. Theo ông Hải, những sự cố xảy ra trên HoSE không những gây ra thiệt hại cho quyền lợi của Sở giao dịch, cho Nhà nước, cho nhà đầu tư mà nó còn ảnh hưởng đến danh tiếng của thị trường chứng khoán Việt Nam, ảnh hưởng đến vấn đề huy động vốn đầu tư các nhà đầu tư nước ngoài. “Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh không phải chỉ có vấn đề nghẽn lệnh mà còn nhiều tồn tại khác như cho cổ phiếu rác tồn tại suốt 6 năm trời nhưng không xử lý. Hi vọng Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo HoSE, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo ngành phụ trách lĩnh vực chứng khoán nhận trách nhiệm, đứng ra xin lỗi và kiểm điểm nghiêm túc việc này”, ông Nguyễn Hoàng Hải kiến nghị.
Nhà đầu tư không khác gì cá nằm trên thớt, dòng tiền thì báo lãi ào ạt nhưng nhà đầu tư lần lần rời khỏi thị trường. Cái khó ở đây không phải là hệ thống mà cái khó ở đây là lòng người có chịu đổi mới.
Tĩnh Kiên