Mới đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát quy hoạch và cấp phép đầu tư xây dựng, kinh doanh sân golf. Đề nghị Bộ KH&ĐT sẽ rà soát, đánh giá tổng thể việc quy hoạch các dự án sân golf, việc cấp phép đối với các dự án sân golf trong giai đoạn 2009 – 2021.
Ngày 21/5, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT rà soát, đánh giá tổng thể việc quy hoạch các dự án sân golf, việc cấp phép đối với các dự án sân golf trong giai đoạn 2009 – 2021.
Ủy ban kinh tế cần làm rõ các thông tin về tình hình ban hành quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng, và kinh doanh sân golf (giai đoạn trước và sau khi Luật quy hoạch có hiệu lực). Thứ hai là tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf; những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; kiến nghị và đề xuất. Trong văn bản mới ra, Bộ KH&ĐT đề nghị 7 Bộ liên quan bao gồm Bộ NN & PTNT, Bộ TN&MT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát, đánh giá các nội dung theo yêu cầu và gửi về Bộ KH&ĐT trước ngày 12/6, sau đó Bộ này sẽ gửi Ủy ban kinh tế Quốc hội trước 20/6.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành Nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, có hiệu lực từ 15/6/2020. Kinh doanh sân golf được chuyển đổi từ quản lý theo quy hoạch sang quản lý bằng kinh doanh có điều kiện, kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực. Trước đó, theo quyết định về điều chỉnh, bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, tổng số các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 trên cả nước là 96 sân. Trong đó vùng trung du miền núi Bắc Bộ có 14 sân, vùng đồng bằng sông Hồng có 19 sân, Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ có 30 sân, Tây Nguyên có 7 sân, Đông Nam Bộ có 22 sân và vùng đồng bằng sông Cửu Long có 4 sân.
Thời gian qua, trong dư luận, xuất hiện một số thông tin về việc biến 174 ha rừng làm sân golf Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Ngày 1/4/2021, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô 174,01 ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng 155,93 ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện Dự án.
Trong quá trình hơn 1 năm xem xét dự án này, với quan điểm phát triển hài hòa “kinh tế – xã hội – môi trường”, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, với tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương rà soát, kiểm tra lại nhiều vấn đề như xác định rõ rừng thông thuộc loại rừng nào để xác định việc quản lý và chuyển mục đích sử dụng rừng, xử lý tài sản công (rừng thông), đánh giá các yêu cầu đối với nhà đầu tư, tình hình đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên quan đến Dự án…
Việc triển khai đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa phải chuyển đổi hơn 100 ha rừng, trong đó chủ yếu rừng thông ba lá và thảm thực vật tại đây có “nguy cơ” biến mất, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
Kiên Cương