Nếu tình trạng nghẽn lệnh, bảng điện không hiển thị kịp thời diễn biến giao dịch, thì nhà đầu tư sẽ dần mất niềm tin vào thị trường chứng khoán. Bởi lẽ, việc mua bán trở nên tù mù, dễ bị hớ. Tâm lý nhà đầu tư bất định không biết tình hình như thế nào, ào ạt đặt lệnh sẽ dẫn đến nghẽn lệnh từng xảy ra nhiều lần ở HoSE.
Các nhà đầu tư có thể chỉ cần hệ thống khớp 20.000 tỷ đồng/phiên còn hơn là khớp 30.000 tỷ đồng/phiên như hiện tại để rồi mua bán hớ, hủy/sửa lệnh không được, rất rủi ro.
Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đẩy khó cho nhà đầu tư, HOSE nên phân bổ lại số lượng lệnh khoán cho các công ty chứng khoán thành viên. Theo đó, những công ty có ít khách hàng san sẻ bớt hạn mức số lượng lệnh cho các công ty lớn, có nhiều nhà đầu tư. Hiện tại, có công ty chứng khoán nhỏ được cấp hạn mức 5.000 lệnh/ngày, nhưng thực tế chỉ sử dụng khoảng một nửa, rất lãng phí tài nguyên, làm mất cơ hội giao dịch của nhà đầu tư khác. Trong bối cảnh thị trường đang gây rất nhiều phản ứng từ nhà đầu tư, tuần qua, Bộ Tài chính đã quyết định thanh tra hành chính HOSE. Nhiều nhà đầu tư mong đợi đây sẽ là cuộc thanh tra thiết thực và đưa ra những kết luận công tâm, khách quan.
Dường như HOSE chỉ quan tâm đến vấn đề số lượng lệnh, giá trị khớp lệnh tăng cao, thu phí nhiều, mà quên mất yếu tố tâm lý của nhà đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán. Trong khi đó, chính nhà đầu tư là những cá thể tạo nên cung cầu để phản ánh giá của cổ phiếu. Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao trong phiên 7 – 8/6, khi các công ty chứng khoán lớn chiếm tới 70% thị phần giao dịch trên HOSE đều đồng loạt chặn, hủy sửa lệnh (số lượng lệnh sửa, hủy theo chia sẻ của ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE tại cuộc họp trên, chiếm gần 30% số lượng lệnh trong một phiên giao dịch) thì bảng lại đơ trầm trọng, trong khi tuần trước vẫn cho hủy/sửa lệnh, bảng lại trơn tru hơn và thực tế cũng cho thấy các phiên giao dịch ngày 10-11/6 khi các công ty chứng khoán đã cho phép hủy/sửa lệnh trở lại, bảng điện chạy khá nuột nà, việc trả lệnh từ HOSE về các công ty chứng khoán cũng rất nhanh, thay vì mất tới 10 – 15 phút như 2 phiên đầu tuần.
Lệnh thị trường có nghĩa là mua hoặc bán bằng mọi giá trong biên độ. Bởi vậy, nếu đang ở thời điểm bán quá, tâm lý nhà đầu tư tiêu cực, đây sẽ là ngọn đuốc châm ngòi cho một đợt bán tháo trên diện rộng. Các số liệu trong phiên giao dịch tuần qua đã chứng minh sự thiệt hại nằm ở phía nhà đầu tư cá nhân, khi họ là nhóm giao dịch mạnh nhất trên thị trường.
Những rủi ro pháp lý tiềm tàng từ việc áp dụng chặn sửa/huỷ lệnh theo kêu gọi của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sau cuộc họp với lãnh đạo Top 20 công ty chứng khoán lớn nhất tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng như làn sóng bức xúc phản đối của các nhà đầu tư trên khắp các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, đủ tạo áp lực để nhiều công ty chứng khoán mở lại chức năng sửa/hủy lệnh từ phiên giao dịch 9/6/2021. Cũng khá kỳ lạ, bảng điện HOSE lại ít bị “đơ” hơn.
Và cũng thật trùng hợp, ngay sau khi Thanh tra Bộ Tài chính công bố sẽ thanh tra hành chính HOSE, hệ thống giao dịch HOSE ngày 11/6 dường như “nuột” hơn hẳn.
Và một điều khó hiểu khác nữa, nếu hệ thống được cho là tự động, không thể can thiệp theo ý chí chủ quan của một vài ai đó, thì tại sao chỉ số VN30 lại chạy và hiển thị rất nuột?
Nhật Hạ