Ðợt dịch Covid-19 lần thứ tư một lần nữa gây tác động nặng nề cho ngành dịch vụ lưu trú, một số khách sạn thậm chí phải tạm ngưng phục vụ một số tiện ích. Tình trạng chuyển nhượng condotel để cắt lỗ đang ngày càng lan rộng.
Trải qua cả năm 2020, do vướng pháp lý và là dịch Covid-19, lượng dự án bất động sản nghỉ dưỡng được chào bán ra thị trường rất ít. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý IV/2020 chỉ có 79 căn biệt thự nghỉ dưỡng được chấp thuận nghiệm thu. Phải đến quý I/2021, thị trường này mới bật tăng trở lại với 884 condotel được chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nguồn cung tăng nhưng thị trường lại gặp khó về đầu ra bởi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2021 và kéo dài cho đến nay.
Một chủ đầu tư dự án căn hộ nghỉ dưỡng ở Nha Trang than thở, mặc dù mở bán từ cuối năm 2019, nhưng hiện mới bán được 350 căn trong tổng số 550 căn condotel. Chủ đầu tư này cho biết, do mở bán đúng vào thời điểm một dự án ở Đà Nẵng xù cam kết lợi nhuận khách hàng, cùng với pháp lý chưa rõ ràng nên khách hàng rất thờ ơ. Cộng thêm đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 ập tới nên số lượng căn còn lại không thể tiêu thụ được. Tại Đà Nẵng, trên các đường Lý Thường Kiệt, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền… nhiều chủ sở hữu của loại hình sản phẩm bất động sản này đang rao bán cắt lỗ phổ biến từ 200 đến 300 triệu đồng/căn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), chia sẻ, tình trạng thị trường condotel gặp khó xuất phát từ một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng, khiến hầu hết các cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Chính sách của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng nói chung liên quan đến loại hình căn hộ du lịch chưa có thay đổi gì đáng kể. Đặc biệt là vấn đề về pháp lý khiến nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương đang gặp phải vướng mắc nên chưa thể khởi động đầu tư xây dựng.
Mới đây, nhiều nhà đầu tư đã đến trụ sở của một chủ đầu tư dự án condotel tại Quảng Ninh để đòi lợi nhuận được cam kết trước đó. Theo phản ánh của nhiều khách hàng, từ hơn 1 năm nay chủ đầu tư không trả lợi nhuận như cam kết với khách hàng. Lúc mua thì chủ đầu tư cam kết 12%/năm. Họ chi trả được vài tháng đầu. Nhưng từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, chủ đầu tư trì hoãn việc trả lãi suất mà thay vào đó là voucher nghỉ dưỡng.
Nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp không chắc có cầm cự được không. Bởi dự án đã xây xong nhưng chưa bán được hết, trong khi tiền vay ngân hàng thì lãi mẹ đẻ lãi con, những căn hộ bàn giao cũng vắng khách, khiến khó khăn chồng chất.
Kiên Cương