Dự kiến động thái tranh chấp vẫn tiếp diễn nhưng chỉ số VN30 có thể theo chiều hướng tăng đến khi có tín hiệu cản cụ thể.
HNG – CTCP HAGL Agrico: Đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 với việc đưa ra kế hoạch kinh doanh mới. Theo đó công ty dự kiến lỗ 84 tỷ đồng trong năm nay, trong khi tài liệu ban đầu là có lợi nhuận trước thuế 16 tỷ đồng. Ngoài ra, kế hoạch doanh thu cũng được điều chỉnh xuống 1.465 tỷ đồng, giảm so với tài liệu ban đầu là 1.891 tỷ đồng và thấp hơn con số 2.109 tỷ đồng được thông qua trong kỳ ĐHĐCĐ bất thường ngày 8/1.
NVL – CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va: Công bố xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tiếp tục phát hành cổ phiếu thưởng lần thứ 2 trong năm nay và chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ tối đa phát hành cổ phiếu thưởng là 29% và chia cổ tức là 31%. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách lấy ý kiến cổ đông vào 29/6.
VCSC: Vingroup có thể thu tới 26.600 tỷ đồng giai đoạn 2020 – 2021 từ thoái vốn The CrownX: VCSC dự báo năm nay, giá trị doanh số bán hàng của CTCP Vinhomes (Mã: VHM) tăng 40% so với năm ngoái, đạt 90.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, VCSC cho biết Vingroup sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi The CrownX để củng cố lợi nhuận và dòng tiền vào năm 2021. VCSC giả định Vingroup sẽ bán 5,3% cổ phần còn lại của The CrownX vào năm 2021 với mức định giá tương tự như mức đã ghi nhận trong quý I. Do đó, VCSC ước tính tập đoàn sẽ nhận được tổng số tiền thu được là 26.600 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 – 2021 từ thoái toàn bộ vốn khỏi đây.
SSI Research: Petrolimex sẽ thoái vốn tại PG Bank không thấp hơn giá thị trường: Tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) cuối tháng 4, lãnh đạo Petrolimex cho biết hiện đang thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp để chào bán trên 40% vốn của Petrolimex tại PGBank. SSI Research cũng cho hay Petrolimex đang làm việc với đơn vị tư vấn để ước tính giá hợp lý cho cổ phiếu PGB nhưng giá thoái vốn sẽ không thấp hơn giá thị trường, hiện đang cao hơn 27% so với giá trị sổ sách.
Kinh Bắc dồn dập huy động trái phiếu: Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã: KBC) vừa thông báo chào bán 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 10,8%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Thời gian đăng ký mua từ 3/6 đến 24/6. Phương thức phân phối thông qua CTCP Chứng khoán An Bình. Thời gian phát hành dự kiến trong ngày 24/6.
NLG – CTCP Đầu tư Nam Long: Ông Trần Thanh Phong, Phó chủ tịch HĐQT đăng ký bán hơn 1,54 triệu cổ phiếu NLG từ ngày 08/6 đến 02/7 theo phương thức thỏa thuận. Dự kiến giao dịch thành công, ông Phong sẽ giảm sở hữu tại NLG xuống còn hơn 12,13 triệu cổ phiếu.
PDR – Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt: Công bố đã hoàn tất nhận chuyển nhượng 99,5% phần vốn góp của các cổ đông CTCP Bất động sản Đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương để chính thức sở hữu Dự án Chung cư Bình Dương Tower, và toàn quyền quyết định việc đầu tư phát triển – kinh doanh dự án này.
DXG – CTCP Tập đoàn Đất Xanh: Ông Hà Đức Hiếu, Phó tổng giám đốc đăng ký bán hơn 638.000 cổ phiếu DXG từ ngày 10/6 đến 09/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, ông Hiếu sẽ giảm sở hữu tại DXG xuống còn hơn 400.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,08%.
Dự án 85.000 tỷ của Hòa Phát: Quảng Ngãi xem xét cấp chủ trương đầu tư trước 20/6: Tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đang vận hành một khu liên hợp sản xuất gang thép với tổng vốn đầu tư 65.000 tỷ đồng, công suất 5 triệu tấn thép/năm. Ông Minh cũng yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh sớm tham mưu văn bản cho ban cán sự Đảng UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho ý kiến vào ngày 10/6 tới. Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thì UBND tỉnh sẽ thống nhất cho Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cấp chủ trương đầu tư cho dự án Hòa Phát Dung Quất 2 trước ngày 20/6/2021.
GVR – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP: Đã công bố Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021 với tổng doanh thu hợp nhất 2021 dự kiến đạt 26.914 tỷ đồng (tăng 5%) và lãi sau thuế 4.564 tỷ đồng (giảm 10% so với thực hiện 2020). So với kế hoạch đưa ra hồi đầu năm 2021, GVR đã giảm 186 tỷ đồng chỉ tiêu doanh thu và giảm 36 tỷ đồng chỉ tiêu lãi sau thuế.
ITA – CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo: CTCP Đại học Tân Tạo, cổ đông lớn đã mua vào hơn 1,67 triệu cổ phiếu ITA từ ngày 07/5 đến 04/6 theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, cổ đông trên đã nâng sở hữu tại ITA lên hơn 84,59 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,01%.
NCT – CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài: Ngày 17/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 3 năm 2020, ngày đăng ký cuối cùng là 18/6. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 15%, thanh toán bắt đầu từ ngày 16/7/2021.
FPT ký kết hợp đồng chuyển đổi số trị giá 5 triệu USD với Kim Tín: Ngày 4/6, Tập Đoàn Kim Tín và Tập đoàn FPT đã chính thức ký kết hợp đồng và khởi động dự án Chuyển đổi số toàn diện. Với tổng chi phí dự kiến lên đến 5 triệu USD, dự án hợp tác được xem là một trong những dự án chuyển đổi số có mức đầu tư lớn nhất và toàn diện nhất trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Việt Nam hiện nay. Theo hợp đồng ký kết, trong vòng 7 tháng, FPT sẽ đưa các giải pháp chuyển đổi số, giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp SAP, S&OP và giải pháp quản trị nhà máy thông minh FPT MES vào quá trình quản lý, vận hành tại 10 đơn vị thành viên thuộc nhóm vật liệu hàn; ván gỗ công nghiệp và sản phẩm sau gỗ của Kim Tín.
‘Mở rộng đội tàu và giá cước thuê tàu tăng là bàn đạp cho đà tăng lợi nhuận của PVTrans’: SSI Research cho rằng công ty có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021 khoảng 16,9% với việc tăng trưởng từ đội tàu (ba tàu mới), tăng công suất sử dụng tàu (do giảm bớt việc chờ đợi khi bốc dỡ hàng vì COVID-19 ở thị trường quốc tế), và lợi nhuận từ việc bán tàu. Cơ sở để VNDirect dự báo tăng trưởng năm nay là kế hoạch mở rộng đội tàu của PVTrans. Nhờ vào kế hoạch mở rộng và giá cước thuê tàu dự kiến sẽ cải thiện, VNDirect kỳ vọng tăng trưởng kép doanh thu vận tải sẽ đạt 13% trong giai đoạn 2021 – 2023 và đóng góp lần lượt là 71,3%, 73,6% và 75,3% tổng lợi nhuận gộp trong cùng kỳ.