Cổ phiếu ngân hàng tăng không nhiều, nhưng những thông tin thoái vốn, cổ đông lớn mua, “game” tăng vốn,…Sự hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng theo đánh giá của các công ty chứng khoán là đến từ yếu tố cơ bản như lợi nhuận quý 1/2021 tăng trưởng 78 – 79% so với cùng kỳ, chất lượng tài sản được cải thiện, tỷ lệ an toàn vốn cao, kế hoạch kinh doanh khả quan?
Nếu quan sát diễn biến giá ở giai đoạn trước và sau công bố kết quả kinh doanh, những yếu tố cơ bản chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ cho sóng ngân hàng bay cao. Nhân tố thực sự giúp ngành ngân hàng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư phải nhắc đến chính là “game” thoái vốn, bán vốn công ty con, tăng vốn…
Trường hợp dễ thấy nhất là cổ phiếu LPB của LienvietPost Bank. Cũng trong thời điểm tháng 4, khi công bố kết quả kinh doanh vượt trội tăng gấp đôi so với cùng kỳ thì thị giá của LPB cũng nhịp nhàng tăng ở mức 17%, từ 17.000 đồng lên 21.000 đồng cuối tháng 4. Thanh khoản trung bình mỗi phiên với 14-15 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Kể từ cuối tháng 4, cơ cấu cổ đông chính thức thay đổi khi ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) được bầu vào vào Thành viên Hội đồng Quản trị LPB, giá cổ phiếu cũng bật tăng mạnh 57,4% trong vòng một tháng. Ngày 2/6 vừa qua, bầu Thuỵ tiếp tục đăng ký mua vào cổ phiếu LPB, nâng tỷ lệ sở hữu lên 3,03% LPB. LPB đã tăng kịch trần 4 phiên gần đây, thanh khoản mỗi phiên cũng tốt hơn trung bình 20 triệu cổ phiếu được khớp, cá biệt có những phiên 35 triệu cổ được sang tay.
Tất nhiên động lực tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng dựa trên kết quả kinh doanh với lợi nhuận nhiều ngân hàng đạt mức kỷ lục, vượt trội, thị trường chung tăng trưởng mạnh mẽ với làn sóng F0 dữ dội. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên nền tảng cơ bản mà không có “game” thoái vốn, bán vốn công ty con, hay tăng vốn thì đà tăng có lẽ sẽ không mãnh liệt như vậy.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 tháng 4, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB cho biết ngân hàng đã lựa chọn được 2 -3 đối tác nước ngoài lớn để đàm phán thoái vốn tại SHB FC. HSB cũng đặt mục tiêu chuyển nhượng vốn tại SHB Lào và SHB Campuchia cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị giá của SHB cũng lên cơn điên với với mức tăng 33% trong vòng một tháng qua. Đặc biệt, với những mã cổ phiếu như VCB, suốt cả thời gian qua, khi “anh em” lớn nhỏ ngân hàng niêm yết đồng loạt phi mã, riêng VCB đứng yên gần như bất động. Tuy nhiên, khi xuất hiện thông tin có kế hoạch bán vốn cho nước ngoài, VCB đã có những phiên tăng giá liên tục. “Cơn say” tăng giá cổ phiếu ngân hàng đã kéo sang cả nhóm UpCOM khi mà thông tin tăng vốn diễn ra hàng loạt. Cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt 10 ngày trước còn ở vùng giá 13.000 – 14.000 đồng thì sau khi xuất hiện thông tin tăng vốn đã tăng vọt lên 25.000 đồng, tăng chóng mặt gần 100% chốt phiên giao dịch 3/6. Với nhà đầu tư nắm giữ đã có thể ăn bằng lần với BVB. Tương tự, ABB của Ngân hàng An Bình cũng tăng giá mạnh trong tuần giao dịch vừa qua nhờ thông tin tăng vốn 20%. Thị giá ABB hiện tại 25.000 đồng so với mức giá 19.000 đồng của hơn chục phiên trước đó, thanh khoản cũng tăng trưởng gấp đôi. Hầu hết các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn thị giá cổ phiếu đều tăng mạnh thời gian gần đây.
Trường hợp VPBank cũng vậy. Trung tuần tháng 4, VPBank thông tin về kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao trong năm 2021 và công bố lợi nhuận sau thuế quý 1 bứt phá đạt 3.202 tỷ đồng, tăng 32% so với quý 1/2020, tuy nhiên, giá cổ phiếu VPB chỉ lình xình tăng trưởng 6% trong suốt tháng. Thanh khoản trung bình mỗi phiên “lẹt đẹt” với khoảng 7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Cuối tháng 4 – tháng 5, từ lúc thị trường rò rỉ thông tin đến khi VPBank hoàn tất bán 49% vốn công ty con trong lĩnh vực tài chính FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC – công ty con thuộc SMFG (Nhật Bản) – thương vụ lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng, giá trị giao dịch có thể đóng góp 26.500 đồng vào lãi trước thuế của VPBank năm 2021, thì giá cổ phiếu VPBank lúc này mới thật sự lên đồng. Tính từ ngày 28/4 đến nay, thị giá VPBank tăng 37% từ mức 51.000 đồng lên 70.600 đồng với nhiều phiên tăng kịch trần. Thanh khoản mỗi phiên tăng đáng kể trung bình mỗi phiên 35 triệu cổ phiếu, gấp 5 lần so với trước đó. VPB cũng là cổ phiếu có mức thanh khoản đứng đầu thị trường trong tháng 5 với giá trị giao dịch trung bình 2.387 tỷ đồng/phiên, chiếm 9,3% tổng thanh khoản toàn thị trường và gấp đôi giá trị thanh khoản trong tháng 4/2021.
Mới đây, BSC đã điều chỉnh giá mục tiêu cho năm 2021 của 15 ngân hàng. Trong đó, VCB được định giá cao nhất 135.000 đồng; VPB được định giá 90.100 đồng; BID 67.000 đồng; HDB lên 38.100 đồng từ mức 32.300 đồng. Trong khi đó, mức định giá cập nhật một số cổ phiếu của BSC còn không đuổi kịp thị trường như thị giá của SHB ở hiện tại đã lên 32.500 đồng hay thị giá LPB đã là 33.850 đồng.
Ở thời điểm hiện tại, dòng tiền đã có dấu hiệu dịch chuyển sang nhóm chứng khoán, bất động sản. Và câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra lúc này là sóng cổ phiếu ngân hàng có còn không khi thông tin về tăng vốn, thoái vốn gần như đã phản ánh hết vào giá?
Nhật Hạ