Hoàn toàn khác với ba lần bùng phát dịch trước đây, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 có diễn biến phức tạp hơn và khả năng sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước. 38 ngày hơn 5.000 ca nhiễm và hàng loạt biện pháp lần đầu áp dụng trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.
Dịch xảy ra tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây và nhiều ổ dịch xuất hiện cùng thời điểm. Đồng thời, biến chủng mới xuất hiện với khả năng lây nhiễm nhanh, mạnh hơn khiên dịch diễn biến phức tạp hơn cả.
Theo Bộ Y tế, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là hơn 5.000 ca. Đặc biệt ngày 25/5, lần đầu tiên số ca nhiễm lên mức kỷ lục với 444 bệnh nhân. Ngày 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Nghị quyết về mua vắc xin COVID-19 với tinh thần “khẩn trương mua vắc xin một cách nhanh nhất để tiêm trên diện rộng cho nhân dân”. Hơn một tuần sau, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam được thành lập với mục tiêu chính là để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Đến nay, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 đã tiếp nhận hơn 3.000 tỷ tiền đóng góp.
Ngành y tế đã thay đổi phương thức “chạy theo” xét nghiệm sang “tấn công” bằng cách chủ động xét nghiệm sàng lọc. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Y tế đã cho phép áp dụng xét nghiệm kit kháng nguyên nhanh trên diện rộng. Các địa điểm có nguy cơ cao như khu công nghiệp (KCN), nhà máy, các khu tập trung đông người và đặc biệt là bệnh viện sẽ phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc thường xuyên cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người thân trong bệnh viện. Cũng nhờ chiến lược xét nghiệm nhanh, tầm soát diện rộng đã giúp Việt Nam phát hiện được nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhanh chóng tách trường hợp nhiễm bệnh ra khỏi cộng đồng. Tại các địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạo như TP HCM, Bắc Giang… cũng đang tiến hàng xét nghiệm kháng nguyên tại những địa điểm nguy cơ cao, có ca dương tính.
Trong đợt dịch lần này, Việt Nam cũng thí điểm cách ly tại nhà với F1 và cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Hai địa phương áp dụng thí điểm là Bắc Ninh và Bắc Giang – cũng là hai nơi có nhiều ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước tính đến nay.
Việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và cách ly theo Chỉ thị 16 cũng được áp dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng địa bàn, từng khu vực cụ thể để đạt mục tiêu “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch”
Kiên Cương