Kết thúc năm 2020, công ty mẹ Vinafood 2 – VSF đạt doanh thu 9.444 tỷ đồng, giảm 5,5% so với thực hiện năm 2019, lợi nhuận âm 271,8 tỷ đồng. Luỹ kế đến ngày 31/12/2020, VSF thua lỗ 2.299 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của VSF ghi nhận gần 4.942 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng giảm 28%, xuống còn 525 tỷ đồng. Trong đó, giá gốc thành phẩm chiếm 43% tổng giá trị, ghi nhận hơn 227 tỷ đồng (giảm 39% so với đầu năm) và hàng mua đang đi đường ghi nhận hơn 16,5 tỷ đồng, gấp gần 4 lần. Nợ phải trả tại thời điểm này giảm 11%, xuống còn 2.009 tỷ đồng. Trong đó nợ vay ngắn hạn 1.406 tỷ đồng, nợ dài hạn 602 tỷ đồng. Trong khi đó , trên thị trường chứng khoán đóng cửa phiên 21/5, cổ phiếu VSF tăng 2,9% lên 7.000 đồng/CP.
Tại báo cáo tài chính riêng quý IV/2020, VSF ghi nhận doanh thu 2.068 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận âm 55,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 117 tỷ đồng. Không chỉ thua lỗ, Vinafood 2 cũng tạo ra nhiều ồn ào trong việc quản lý, sử dụng sai quy định và gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Những ngày cuối tháng 9/2020, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ án liên quan đến sai phạm nghiêm trọng của các cựu lãnh đạo Vinafood 2. Mới đây ngày 10/3/2021, HĐQT Vinafood 2 đã ra Nghị quyết gia hạn thời gian họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 với lý do cần có thời gian chỉnh sửa điều lệ tổng công ty, quy chế quản trị nội bộ, quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, ban quyết soát phù hợp với Luật doanh nghiệp. Thời gian tổ chức sẽ được xác định và thông báo sau, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Tính đến cuối năm 2019, giá trị tồn kho của doanh nghiệp này chỉ đạt khoảng 727 tỷ đồng, con số thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Do đó, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, giá nguyên liệu lúa gạo trong nước tăng khoảng 25%, Vinafood 2 không còn lãi trong nhiều hợp đồng cố định giá đã ký với khách hàng trước đó. Sự trì trệ, kém năng động đã khiến tổng công ty này rơi vào cảnh tụt hậu so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Vinafood 2 là công ty sản xuất gạo lớn nhất cả nước, với mạng lưới 22 công ty con và công ty liên kết. Đây cũng là doanh nghiệp độc quyền trong xuất khẩu gạo, được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh thấp, thua lỗ nặng đã trở thành câu chuyện kéo dài nhiều năm nay tại Tổng công ty.
Mặc dù cổ phần hóa đã được nhiều năm nhưng Vinafood 2 vẫn đang trong tình trạng: “Trước IPO có sao, thì sau IPO, Vinafood 2 vẫn dùng vậy”. Đó là chưa nói tới, do những hệ lụy của giai đoạn trước cổ phần hóa khiến cho gần 2 năm kể từ thời điểm Vinafood 2 IPO thành công, các thủ tục quyết toán vốn nhà nước, bàn giao sang công ty cổ phần vẫn chưa được hoàn tất. Điều này dẫn đến Vinafood 2 hoạt động trong trạng thái cầm chừng với nguồn vốn thiếu hụt, bị động trong việc thu mua và dự trữ lúa gạo.
Nhật Hạ