Việc bỏ giá trần đối với các đường bay có từ 3 đơn vị khai thác đã được chính các hãng hàng không đề xuất mỗi khi Bộ Giao thông – Vận tải tiến hành xem xét điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, gay gắt và biến độ khó lường của chi phí đầu vào, các cơ quan quản lý cần xem xét sớm gỡ bỏ cơ chế giá trần, nhất là khi thị trường sẽ đón nhận thêm nhiều hãng bay trong thời gian tới. Thông thường, dải giá được các hãng xây dựng có từ 10 đến 15 mức giá, trong đó có những mức giá thấp, có nhiều loại vé cho, tặng (0 đồng chưa bao gồm thuế và các khoản thu hộ) theo từng đợt khuyến mại, giảm giá của hãng. Việc siết chặt quy định về giá này sẽ giúp các hãng tránh triệt tiêu lẫn nhau, vì nếu để các hãng cạnh tranh tự do mà không có sự kiểm soát phù hợp, sẽ dẫn đến sự gia nhập của các hãng mới trong bối cảnh cung đang vượt cầu, các hãng sẽ cạnh tranh về giá khiến một hoặc nhiều hãng lâm vào phá sản. Khi đó, các hãng tồn tại có thể ngầm thống nhất giá, chia sẻ thị phần, liên kết để gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng hàng không nội địa, các hãng hàng không luôn phải xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá, tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau. Doanh thu, chi phí sẽ được tính tổng chung theo chuyến bay, đường bay hoặc có thể theo mùa vụ. Đối với các đường bay chưa có sự cạnh tranh cao, đặc biệt là các đường bay hải đảo, miền núi có tính công ích, an sinh xã hội, quyền lợi của hành khách sẽ được đảm bảo với quy định hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản không vượt mức tối đa do Bộ Giao thông – Vận tải quy định.
Việc bỏ giá trần đối với các đường bay có sự cạnh tranh, theo Cục Hàng không Việt Nam, không gặp vấn đề pháp lý lớn, bởi Luật Giá năm 2012 từng quy định khung giá đối với “dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tuyến độc quyền” và đã loại bỏ nội dung này tại Luật số 61/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng. Do đó, việc quy định khung giá chỉ còn thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông – Vận tải. Bên cạnh việc đồng thuận tương đối cao với việc bỏ giá trần, trong quá trình góp ý Báo cáo tổng kết Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, việc cần bổ sung quy định chống bán phá giá tại thị trường vận tải khách nội địa đã được một số hãng hàng không nêu ra.
Theo thống kê của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không, tính đến quý I/2021, 6 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Pacific Airlines,Vasco, Bamboo Airways, Vietjet, Vietravel Airlines đang khai thác 60 đường bay nội, được thiết kế theo kết cấu “trục – nan” với các đường bay đi/đến các địa phương tỏa ra từ 3 thành phố lớn của 3 miền là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Trong số này, hệ thống đường bay trục Hà Nội – Đà Nẵng – TP.HCM thường xuyên có ít nhất 5 hãng cùng khai thác với tần suất cao, chiếm tỷ lệ 42,4% tổng lượng vận chuyển của thị trường nội địa. Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, dịch vụ vận chuyển hàng không cũng như các loại hình vận tải khác là loại “hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ”. Tùy thuộc nhu cầu đi lại của hành khách, kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không luôn có mùa cao điểm, mùa thấp điểm. Chuyến bay có giờ bay phù hợp sẽ có nhiều hành khách mua vé, thậm chí sẵn sàng trả giá cao có thể mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt, chất lượng dịch vụ cao theo nhu cầu của khách hàng và ngược lại, những chuyến bay muộn, bay ban đêm thường ít hành khách.
Do vậy, việc các hãng hàng không đưa ra nhiều dải giá phù hợp theo từng chuyến bay, thời gian bay của từng thời vụ là cần thiết. Ngược lại, đối với những chuyến bay mùa thấp điểm, giờ bay muộn, các hãng bay thường đưa ra các mức giá vé phù hợp nhằm khuyến khích, kích cầu hành khách nhằm lấp đầy chỗ trống trên tàu bay.
Kiên Cương