Đây là năm rất đặc biệt khi chứng kiến sự đầu tư chứng khoán đến mức gây nghẽn hệ thống giao dịch trên sàn HoSE. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của HNX đạt mức tăng trưởng cao.
Năm 2020, doanh thu thuần của HNX tăng 32% so với năm 2019, lên 732 tỷ đồng. HoSE có vẻ hưởng lợi nhiều hơn từ “siêu sóng” khi doanh thu thuần tăng tới 39% bất chấp vướng phải vấn đề nghẽn lệnh, lên mức 993 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là doanh thu dịch vụ giao dịch chứng khoán, chiếm khoảng 87-88% doanh thu thuần ở cả 2 sàn.
Trong phần chi phí xây dựng cơ bản dở dang, HoSE hạch toán khoản chi cho “thiết bị tin học cho dự án xây dựng HoSE” đến cuối năm 2020 là 342 tỷ đồng, tăng 124 tỷ đồng sau một năm. Ngược lại, trong cả năm 2019, khoản mục này chỉ tăng 2 tỷ đồng. Đây là khoản chi liên quan đến việc triển khai hệ thống phần mềm giao dịch mới của HoSE do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) làm nhà thầu, giải pháp được xem là căn cơ để chấm dứt tình trạng nghẽn lệnh, đơ trên sàn HoSE. Doanh thu, lợi nhuận của HoSE tăng mạnh là điều đã được dự báo trước khi thanh khoản thị trường chứng khoán tăng cao đột biến từ cuối năm ngoái cùng với số lượng nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản giao dịch mới liên tục lập đỉnh qua từng tháng.
Lợi nhuận gộp của HNX tăng 37%, trong khi HoSE tăng 44%. Biên lợi nhuận gộp của HoSE cao hơn đáng kể HNX, 93% so với 87%. Sau khi cân đối doanh thu tài chính cũng như các loại chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của HNX đạt mức tăng trưởng 44%, xấp xỉ mức tăng 46% của HoSE. Lý do chính là trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp của HNX chỉ tăng 11%, thấp hơn nhiều mức tăng lên đến 30% của HoSE.
Kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế của HNX chỉ tăng 28% lên 499 tỷ đồng, trong khi HoSE tăng tới 46% lên 691 tỷ đồng. Nguyên nhân là năm 2019, HNX ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên đến gần 42 tỷ đồng từ việc quỹ phát triển khoa học công nghệ chuyển sang phục vụ mục đích kinh doanh, nhưng đến năm 2020 không còn ghi nhận khoản thu nhập khác nào đáng kể. Tính đến hết năm 2020, tổng tài sản của HNX đạt 1.356 tỷ đồng, được hình thành từ 1.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 356 tỷ đồng nợ phải trả. Cùng thời điểm, tổng tài sản của HoSE ở mức 3.279 tỷ đồng, được hình thành từ 1.800 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 1.479 tỷ đồng nợ phải trả.
Trong Thông tư 14/2020/TT-BTC công bố mới đây, HOSE sẽ giảm phí giao dịch để hỗ trợ nhà đầu tư bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cụ thể, thay vì thu phí 0,03% trên tổng giá trị giao dịch cổ phiếu và 0,02% với ETF, chứng quyền, mức phí hiện giảm xuống còn lần lượt 0,027% và 0,018%. Thông tư này này sẽ có hiệu lực tới 31/12/2021. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, HOSE ghi nhận 553 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2020, tăng 46% so với năm trước và là năm lãi kỷ lục của HOSE.
Kết quả kinh doanh tích cực của HOSE là hệ quả khi nhà đầu tư ồ ạt tham gia thị trường, đẩy thanh khoản tăng mạnh. Trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch bình quan đạt hơn 351,6 triệu chứng khoán/ngày, tương ứng giá trị bình quân đạt 6.425 tỷ đồng/ngày, tăng 55,65% về giá trị so với năm 2019. Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của HOSE đạt gần 3.300 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền mặt doanh nghiệp đặc biệt này nắm giữ tăng vọt từ hơn 300 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Sở không có khoản vay nợ nào.
Kiên Cương