Trong quý I, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP ghi nhận doanh thu và lợi nhuận có chuyển biến. Doanh nghiệp có thuyết minh lợi nhuận tăng đột biến do công ty tăng ghi nhận doanh thu từ hợp đồng cho thuế đất khu công nghiệp và đô thị. Nhưng dòng tiền vẫn âm do dư nợ vay và hàng tồn kho còn nhiều.
Mặc dù lợi nhuận tăng mạnh, nhưng dòng tiền kinh doanh lại không có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể, trong quý I/2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Kinh Bắc âm 235,3 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 136 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dòng tiền tài chính cũng dương 183,8 tỷ đồng, chủ yếu do vay nợ ròng tăng thêm. Được biết, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính năm 2020 cũng âm tới 2.913,2 tỷ đồng, nguyên nhân chính là việc tăng tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn.
Đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản của KBC tăng 6,3% so với đầu năm lên 25.279,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 11.201,2 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 8.643,2 tỷ đồng, chiếm 34,2% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2.639,5 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng tài sản. Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 30,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.005,4 tỷ đồng lên 8.643,2 tỷ đồng và là giá trị kỷ lục từ khi niêm yết tới nay (KBC niêm yết ngày 18/12/2009). Chính việc tăng mạnh khoản phải thu đã là nguyên nhân chính dẫn tới dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm trong kỳ.
Ngoài ra, trong kỳ tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 4,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 281,3 tỷ đồng lên 6.046,2 tỷ đồng và chiếm 23,9% tổng nguồn vốn. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/4, cổ phiếu KBC tăng 750 đồng lên 37.450 đồng/cổ phiếu.
Lợi nhuận gộp tăng 360,6% so với cùng kỳ lên 1.123,3 tỷ đồng; lợi nhuận tài chính âm 52,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 31,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 753,2% lên 107,5 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 22,7% lên 80 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể. Như vậy, doanh thu có dấu hiệu tăng đột biến kéo theo các chi phí bán hàng và quản lý cũng tăng mạnh.
Trong 3 tháng đầu năm, lượng tiền và các khoản tương đương tiền tại KBC giảm 39% xuống còn hơn 643 tỷ đồng. Trong khi nợ ngắn hạn phải trả tại KBC ở mức hơn 7.733 tỷ đồng. Như vậy, hệ số khả năng thanh toán tức thời là 0,083 lần; hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn tại KBC là 2,9 lần.
Nhật Hạ