Thị trường bất động sản TP. HCM sụt giảm mạnh về nguồn cung cũng như lượng tiêu thụ. Thị trường căn hộ ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm gần một nửa so với quý trước.
Phân khúc căn hộ tại TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An đón nhận khoảng 13 dự án mở bán (6 dự án mới và 7 dự án giai đoạn tiếp theo). Nguồn cung mới đưa ra thị trường khoảng 5.515 căn, bằng 51% so với quý IV/2020 khoảng 10,814 căn. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 4.416 căn, chiếm xấp xỉ 80% tổng nguồn cung dự án mở bán mới, bằng 53% so với quý trước (8,371 căn).
Nguồn cung mới và sức tiêu thụ quý I/2021 sụt giảm so với quý IV/2020, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, thị trường Bình Dương có dấu hiệu chững nhẹ sau một thời gian tăng trưởng nhanh chóng về cả nguồn cung và giá bán vào năm 2020. Trong khi đó thị trường căn hộ Đồng Nai thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư với dự án mở bán tại TP. Biên Hòa, chiếm 20% tổng nguồn cung của TP. HCM và 4 tỉnh giáp ranh. Từ năm 2020, thị trường bất động sản TP. HCM thiếu trầm trọng phân khúc nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội, trong khi phân khúc hạng sang có sự dư thừa. Các chuyên gia địa ốc nhận định rằng, TP. HCM đang có sự lệch pha cung – cầu rất lớn. Trong quý 3 tháng đầu năm, Sở Xây dựng TP. HCM mới xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 5 dự án, với tổng số gần 3.450 căn hộ.
Thị trường bất động sản tại các vùng đô thị vệ tinh TP. HCM mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư khi tính thanh khoản của thị trường rất tốt, hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, đồng thời những đòn bẩy sẵn có ở các khu vực này cũng là động lực hút nhà đầu tư. Phân khúc nhà ở vừa túi tiền sẽ là quan tâm hàng đầu của khách hàng bên cạnh những phân khúc tầm trung, cận cao cấp. Với việc thị trường bất động sản TP. HCM đang “khát” nguồn cung, giá bán tăng cao. Người dân có xu hướng dịch chuyển về các khu vực vùng ven thành phố như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… để sinh sống. Trong khi đó, các doanh nghiệp địa ốc cũng đưa những địa phương này vào trong kế hoạch phát triển trung và dài hạn bởi quỹ đất còn nhiều, giá cả phù hợp, tính thanh khoản tốt cũng như cơ chế chính sách thuận lợi.
Đối với phân khúc nhà phố/biệt thự, TP. HCM và vùng phụ cận có 9 dự án mở bán, với 2.000 căn, tăng 1% so với quý trước, tỷ lệ tiêu thụ đạt 33% (khoảng 666 căn), bằng 41% so với quý IV/2020. Nguồn cung mới trong quý tập trung chủ yếu ở Đồng Nai và TP. HCM. Trong đó, Đồng Nai tiếp tục là địa phương dẫn đầu nguồn cung và lượng tiêu thụ.
Vùng ven thành phố nhận sự quan tâm của khách hàng vào những dự án quy mô lớn, quy hoạch bài bản và được phát triển bởi chủ đầu tư uy tín. Riêng tại TP. HCM, có 5 dự án mở bán (bao gồm 4 dự án mới và 1 dự án trước đó) với 346 căn, giảm 10% so với quý trước và giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 57% (197 căn), giảm 26% so với quý IV/2020 và giảm 45% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ phận nghiên cứu thị trường của DKRA cho biết, nguồn cung có xu hướng dịch chuyển ra khu vực vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương… nơi có quỹ đất dồi dào, cơ sở hạ tầng kết nối thuận tiện và mức giá bán còn tương đối thấp. Căn hộ hạng A vẫn là phân khúc chủ đạo của thị trường, đồng thời căn hộ hạng sang có sự gia tăng đáng kể. Đặc biệt, thị trường tiếp tục vắng bóng căn hộ hạng C.