Chỉ trong vòng 24 giờ, Eximbank trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) bất thành vì những lý do khác nhau. Cuộc chiến ngôi vương ở Eximbank ai đang chi phối? nhóm cổ đông nào đang là chủ chốt và điều khiển cả hệ thống điều hành nhà băng này?
Chủ tịch HĐQT Eximbank cho rằng, việc tổ chức ĐHĐCĐ của Eximbank không được thành công như dự kiến là do không có sự thống nhất của các nhóm cổ đông. Chủ tịch Eximbank dẫn chứng, như ngày hôm qua 26/4, Eximbank tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 3, mặc dù có tỷ lệ tham gia rất là cao nhưng hôm nay (27/4) tỷ lệ tham dự lại rất thấp. “Qua đó có thể thấy ngân hàng bị đang chi phối bởi thiểu số, một số nhóm cổ đông”, ông Yasuhiro Saitoh nhấn mạnh.
Cũng theo vị Chủ tịch ngân hàng này, một số nhóm cổ đông lớn kiên quyết chuyện miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng quản trị, có thể do nhóm này không hài lòng vì một vấn đề nào đó. “Tuy nhiên, các cổ đông nên có một mục tiêu chung vì sự phát triển ngân hàng. Thế nên, tôi vẫn không hiểu làm sao họ vẫn muốn miễn nhiệm HĐQT” – ông Yasuhiro Saitoh nói. Khi được hỏi về nhóm cổ đông sở hữu khoảng 52% cổ phần của Eximbank phủ quyết cơ chế, khi suốt các cuộc họp ĐHĐCĐ trước đó, nhóm nắm quá bán thường có ý kiến trái ngược với quyết định của HĐQT.
Ví dụ cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã có ý kiến bổ sung nội dung họp trong đại hội thường niên hôm qua (26/4) về thanh lọc, giảm thành viên HĐQT, thì lý do gì HĐQT không chấp nhận bổ sung vào nội dung họp? Ông Yasuhiro Saitoh cho biết, thực sự ông cũng không biết ý định của cổ đông SMBC là gì? Thực tế là, ông đã không làm việc ở SMBC nữa nên không biết được chiến lược, ý định của bên đó thế nào. “Với vai trò là ngân hàng tầm cỡ, toàn cầu như SMBC, tôi thực sự rất buồn khi họ không tham dự vào ĐHCĐ hôm nay (27/4)”, ông Yasuhiro Saitoh nói.
Là thành viên HĐQT, ông Lê Minh Quốc cũng khẳng định: “Với tình hình như vậy thì bất cứ việc gì Eximbank làm cũng phù hợp với luật và quy định”. Xung quanh việc Eximbank có tới 2 Chủ tịch trong vòng 1 giờ xôn xao dư luận thời gian qua, ông Quốc giải thích, ông Yasuhiro Saitoh xin rời vị trí là có lý do cá nhân chính đáng, điều này đã được HĐQT phê duyệt và chấp thuận.
Trước đó, sáng 26/4, Eximbank cũng đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 với 97 cổ đông có mặt tại đại hội, đại diện cho 1.161.881.877 cổ phần, tương đương với tỷ lệ 94,51%. Đây là tỷ lệ tham dự cao nhất trong các kỳ ĐHCĐ ngân hàng này trong vài năm gần đây dù cuộc họp được tổ chức ở Hà Nội chứ không phải tại TP.HCM – Trụ sở chính của Eximbank. Tuy nhiên, cuộc họp ĐHCĐ của Eximbank vẫn bất thành do đại hội không thông qua quy chế họp. Theo kết quả kiểm phiếu thông qua Quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ, chỉ có 44,92% đồng ý, trong khi 54,69% không đồng ý.
Nhìn vào diễn biến trong 2 năm 2019 và 2020, EIB nhiều lần thông báo tổ chức ĐHĐCĐ nhưng đều bất thành, trong đó, ĐHĐCĐ thường niên lần 1 và 2 tổ chức ở TP.HCM vào ngày 30/6/2020 và 29/7/2020 không thực hiện được do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự. EIB rõ ràng là đang thể hiện ý chí “khỏa lấp” những “lực cản” từng xuất hiện khiến cho ĐHĐCĐ trước đây bất thành. Tuy nhiên, từng xảy ra ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần thứ 3, tổ chức vào ngày 21/6/2019, đã bất thành dù số cổ đông tham dự vượt ngưỡng 51% cổ phần có quyền biểu quyết và lên tới đỉnh điểm là 93,86%, với 199 cổ đông đến dự.
Như một cổ đông đã phát biểu, “đại hội như một cái chợ”, kết quả là đến 11h30, Trưởng ban Kiểm soát phải tuyên bố ngừng đại hội vì “cổ đông không đồng ý thông qua qui chế họp”. Các vấn đề cổ đông đã phát biểu đến mức tranh cãi tại đại hội nói trên bao gồm: Lãnh đạo EIB coi thường và vi phạm quyền cổ đông; không chấp nhận và đòi xem xét tư cách chủ tọa, đòi bầu bổ sung chủ tọa… Các vấn đề đó, cho đến kỳ đại hội lần này, dù đã có Kết luận Thanh tra NHNN (KLTT) chỉ đích tên những người vi phạm, nhưng xem ra vẫn chưa giải quyết được bất đồng đang trầm trọng. Vẫn xuất hiện đơn khiếu nại, tố cáo sau KLTT, về các vi phạm tiếp tục diễn ra tại EIB, thậm chí khiếu nại ngay chính nội dung KLTT…
Đáng quan tâm là đã có 2 nhóm đổ đông sở hữu trên 10% vốn điều lệ yêu cầu bãi nhiệm 8/9 thành viên HĐQT đương nhiệm, theo quy định, EIB phải tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nếu một trong hai nhóm cổ đông yêu cầu.
Kiên Cương