Sự sụt giảm nghiêm trọng trong kinh doanh của ngành hàng không kéo theo dự báo về năm 2021 không mấy tích cực. Trong dự báo năm 2021, Bộ Tài chính nhận định, kinh tế thế giới sẽ chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 thị trường hàng không nội địa cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không.
Trước khó khăn của ngành hàng không, đầu năm 2021, Chính phủ đã thông qua phương án giải cứu hãng hàng không quốc gia. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được giao tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0% với tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay. Đến tháng 4/2021, Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư 04/2021/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của doanh nghiệp này do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chính sách cứu trợ “đặc quyền” dành cho Vietnam Airlines đặt ra nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện thiên lệch giữa hãng hàng không Nhà nước và hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways… Cứu trợ hãng hàng không là điều cần thiết bởi đây là ngành non trẻ, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng sự phân bổ nguồn lực chênh lệch sẽ tạo ra hệ lụy như thế nào?
Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, Chính sách hỗ trợ cho Vietnam Airlines đến từ lý do đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quan trọng và là doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, việc giải cứu Vietnam Airlines cần nhìn nhận lại 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, có nhất thiết phải giải cứu với mức hỗ trợ ưu đãi như thế không? Trong bối cảnh hiện nay, liệu Vietnam Airlines đã cố hết sức mình chưa? Doanh nghiệp này đã hoạt động một cách hiệu quả hay không? Đó là câu hỏi mà Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ khi hỗ trợ cho Vietnam Airlines cần phải đặt ra. Vì các hãng hàng không khác cũng gặp khó khăn và cần giải cứu. Thứ hai, quy mô giải cứu bao nhiêu là đủ? Đây là những câu hỏi mà hiện tại gây nhiều tranh cãi.
Về vấn đề giải cứu, chính sách hỗ trợ cần phải đi kèm với điều kiện và phải thận trọng. Có biện pháp khác hỗ trợ Vietnam Airlines thay vì cách thức như hiện tại không? Vấn đề giải cứu phải có ràng buộc như cắt giảm chi phí, thu gọn bộ máy để hiệu quả. Lộ trình giải cứu phải gắn liền với lộ trình trả nợ của Vietnam Airlines hoặc quá trình thoái vốn của Nhà nước tại hãng hàng không này và có lộ trình cụ thể.
Khi giải cứu Vietnam Airlines, cần tính toán hỗ trợ cho doanh nghiệp hàng không khác bởi họ cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thực tế, các doanh nghiệp hàng không tư nhân khác cũng không nhận được nhiều ưu đãi, thuận lợi như Vietnam Airlines trong bối cảnh bình thường.
Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, Chính sách hỗ trợ thiên lệch nhiều cho hàng không Vietnam Airlines sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cùng tham gia, làm méo mó sự phát triển của ngành hàng không. Vấn đề khác, đó là Vietnam Airlines dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vị thế của doanh nghiệp này so với Bamboo Airways và Vietjet Air khác nhau. Vì Vietnam Airlines vốn dĩ đã nhận được nhiều ưu đãi.
Nhật Hạ