Có thể thấy sau giai đoạn bị hạn chế chia cổ tức trong nhiều năm do phải tập trung nguồn lực để hoàn tất lộ trình tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra, nhiều ngân hàng nay đã phần nào xử lý và khắc phục tốt, nên mạnh tay chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối khá lớn.
Ngoài chính sách chia cổ tức bằng cổ phiếu quen thuộc, không ít ngân hàng còn bắt đầu chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, khi hiện nay NHNN cũng không còn quá ràng buộc các chính sách chia cổ tức của các ngân hàng. Dù vậy, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ vẫn chiếm đa số, khi hầu hết các ngân hàng vẫn đang khát vốn để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh doanh dài hạn.
Trước đây việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thường bị nhiều cổ đông bức xúc phản đối, do giá cổ phiếu ngân hàng giai đoạn trước quá thấp. Giai đoạn hiện nay, giá cổ phiếu vua đang ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và là động lực chính dẫn dắt thị trường chung tăng điểm mạnh mẽ trong suốt một năm qua. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng có lẽ cũng tận dụng thời điểm thuận lợi này để chia cổ tức bằng cổ phiếu mà vẫn khiến cổ đông vui vẻ.
Một ngân hàng khác nằm trong diện không được chia cổ tức từ năm 2015 đến nay để tập trung nguồn lực cho tái cấu trúc là Eximbank (EIB). Tuy nhiên, ngân hàng này mới đây cũng tỏ ý muốn dùng hơn 2.200 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối chia cổ tức cho cổ đông, với lý do ngân hàng đã thanh toán hết trái phiếu VAMC đến cuối tháng 3 vừa qua. Trong năm nay, Eximbank đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng 60%, lên 2.150 tỉ đồng. Đáng chú ý là ngân hàng này cũng đang nắm giữ 74,9 triệu cổ phiếu STB và khả năng cũng sẽ bán ra trong năm nay để thu hồi nợ.
Với lợi nhuận chưa phân phối tính đến 31-12-2020 là hơn 1.292 tỉ đồng, Ngân hàng Nam Á trong năm nay cũng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ tối đa là 27,16%, trong đó, cổ tức năm 2019 là 12,48% và cổ tức năm 2020 là 14,68%. SHB cũng sắp chia 20,5% gồm 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020, tiếp nối mức chia 20,9% cho năm 2017 và 2018 đã thực hiện vào năm ngoái.
Ngay cả Sacombank – ngân hàng dù vẫn đang trong lộ trình tái cơ cấu từ năm 2015 đến nay, cũng muốn sử dụng hết nguồn lợi nhuận chưa phân phối còn lại gần 6.500 tỉ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông và tăng thêm vốn điều lệ cho ngân hàng. Trong suốt năm năm qua, Sacombank không được phép chia cổ tức do phải tập trung mọi nguồn lực để tái cấu trúc.
Bên cạnh những ngân hàng đang trong lộ trình tái cấu trúc nhưng gây bất ngờ khi vẫn muốn chia cổ tức, các ngân hàng khác tiếp tục mạnh tay chi cổ tức và chia cổ phiếu thưởng trong năm nay. Có thể kể đến như VIB chia cổ phiếu thưởng 40%, MBBank chia cổ tức 35%, MSB chia 30%, ACB, HDBank và OCB chia 25%.
Một số ngân hàng trong những năm qua không được phép chia cổ tức nên gần đây đã dồn chia với tỷ lệ khủng nhờ lợi nhuận giữ lại rất lớn, như là một cách để tri ân cổ đông. Đơn cử như VietinBank sắp tới sẽ thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu gần 28,8% từ phần lợi nhuận giữ lại trong ba năm 2017, 2018 và 2019, bên cạnh việc chia cổ tức 5% tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu cho năm 2020.
SaigonBank (SGB) mới đây cũng đề xuất phân phối lợi nhuận năm 2020 với tỷ lệ chia cổ tức 5%, sau ba năm liên tiếp không chia cổ tức cho các cổ đông. SeABank (SSB) sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 9,12% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối 1.127 tỉ đồng. Ngân hàng Việt Á có kế hoạch phát hành 95 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 21,35%.
Ngân hàng Kiên Long (KLB) cho biết đã xử lý xong toàn bộ tài sản bảo đảm liên quan đến dư nợ của một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB, thông qua hàng loạt giao dịch thỏa thuận trong giai đoạn cuối tháng 3 vừa qua. Trong đó, số cổ phiếu STB đảm bảo cho khoản vay nói trên tại Kienlongbank lên tới 176 triệu cổ phiếu, với dư nợ có khả năng mất vốn liên quan đến khoản vay này là gần 1.900 tỉ đồng. Nhờ xử lý xong các khoản nợ được thế chấp bằng cổ phiếu STB nói trên, Kiên Long đặt ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm 2021 tăng vọt lên 1.000 tỉ đồng, gấp hơn 6,3 lần so với kết quả năm 2020. Kèm theo đó, Kiên Long cũng dự kiến chia cổ tức cho năm 2021 theo tỷ lệ 17%, cao hơn so với mức 13% của năm 2020 mà cũng sẽ được chia trong năm nay.
Tỷ lệ chia cổ tức lên đến vài chục phần trăm, trong đó không ít ngân hàng vẫn đang trong lộ trình tái cấu trúc nhưng vẫn mạnh dạn đề xuất được phép chia cổ tức cho cổ đông. Cuộc đua chi cổ tức trong năm nay của các ngân hàng đang rầm rộ và sôi động hơn bao giờ hết.
Kiên Cương