Việc lệch pha giữa BCTC kiểm toán so với báo cáo tự lập dường như đã dần trở nên quen thuộc. Mùa kiểm toán đi qua cũng là lúc sự thật về những con số trong BCTC của doanh nghiệp được bộc lộ. Bên cạnh những pha vô tình thì cũng không ít những chiêu trò đưa ra nhằm che lấp đi những “bí ẩn” đằng sau đã dần bị kiểm toán phanh phui.
Theo dữ liệu của VietstockFinance, trên 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM, tính đến ngày 10/04/2021 có tổng cộng 643 doanh nghiệp công bố BCTC kiểm toán có sự chênh lệch so với báo cáo tự lập. Trong đó, 282 doanh nghiệp tăng lãi, 289 doanh nghiệp giảm lãi, 50 doanh nghiệp tăng lỗ, 18 doanh nghiệp giảm lỗ, 2 doanh nghiệp lãi chuyển lỗ và 2 doanh nghiệp có lỗ chuyển lãi.
Đứng đầu nhóm báo lãi sau thuế tăng mạnh 71% so với báo cáo tự lập là Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP). Theo QTP, nguyên nhân là do trong quá trình rà soát lập quyết toán doanh thu tiền điện năm 2020 và doanh thu chênh lệch tỷ giá các năm với Công ty mua bán điện, QTP thực hiện bổ sung doanh thu chênh lệch tỷ giá năm 2015 hơn 225 tỷ đồng và doanh thu chênh lệch tỷ giá năm 2018 gần 344 tỷ đồng vào BCTC năm 2020 theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 23/03/2021.
Cùng ngành, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW) ghi nhận lãi sau thuế tăng hơn 169 tỷ đồng so với trước kiểm toán, đạt mức 2,663 tỷ đồng phần nhiều đến từ sự ghi nhận khoản tiền thuế phải nộp.
Liền sau đó là ông lớn Vingroup (HOSE: VIC) với lãi sau thuế được điều chỉnh tăng 158 tỷ đồng, đạt 4,546 tỷ đồng nhờ điều chỉnh giảm chi phí. Cụ thể, chi phí bán hàng giảm 12.6%, tương ứng 1,033 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chi phí tài chính và chi phí quản lý cũng được điều chỉnh co lại 0.13% và 0.16% so với tại báo cáo tự lập trước đó.
Gương mặt cuối cùng góp mặt trong danh sách lãi tăng hơn trăm tỷ là Tập đoàn FLC (HOSE: FLC). Nhờ điều chỉnh doanh thu tăng và chi phí tài chính giảm đã giúp cho lãi sau thuế của FLC tăng 125 tỷ đồng sau kiểm toán, lên mức 308 tỷ đồng.
Xét về tương đối, Đầu tư PV2 (HNX: PV2) dẫn dầu nhóm tăng lãi sau kiểm toán với mức tăng 1,991%, đạt hơn 842 triệu đồng do xác lập lại chi phí dự phòng các khoản đầu tư.
Hay như lãi sau thuế của Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (HOSE: TEG) cũng tăng từ 908 triệu đồng lên hơn 8 tỷ đồng. Theo TEG giải trình, tại thời điểm công bố BCTC quý 4/2020, Công ty chưa thực hiện hạch toán tăng lợi nhuận từ chuyển nhượng dự án tại CTCP Đầu tư và Xây dựng Đông Dương Thăng Long cho CTCP Đầu tư Xây dựng 108 Trường Thành. Đây là giao dịch nội bộ nên lãi bị loại trừ lãi năm 2018 trên BCTC hợp nhất. Ngoài ra, doanh thu tài chính sau kiểm toán của TEG gấp 2.1 lần, đạt gần 17 tỷ đồng và chi phí tài chính tăng 79%, chiếm gần 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp khác cũng tăng lãi mạnh sau kiểm toán như Đại Thiên Lộc (HOSE: DTL), Xi măng Sài Sơn (UPCoM: SCJ), Tập đoàn Thiên Quang (HNX: ITQ), Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam (HNX: VHE)…
Bên cạnh những số phận tươi sắc hơn sau kiểm toán, một bộ phận khác lại có vẻ khá u buồn khi lãi giảm hay lỗ “chất chồng” sau kiểm toán.
Doanh thu tài chính giảm mạnh đã kéo lãi sau thuế của Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX) giảm 67% sau kiểm toán, xuống còn 98 tỷ đồng. Phần lớn doanh thu tài chính của HPX đến từ lãi chuyển nhượng cổ phần và chuyển nhượng vốn góp hợp tác đầu tư. Trong đó, khoản lãi hơn 65 tỷ đồng phát sinh từ việc chuyển nhượng khoản vốn góp tại dự án khu đô thị sinh thái Tây Nam Bà Rịa – Vũng Tàu và khoản lãi hơn 59 tỷ đồng đến từ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Đại Đông Á.
Hay như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) ghi nhận lãi sau thuế hơn 5,076 tỷ đồng, giảm 154 tỷ đồng so với báo cáo tự lập do lợi nhuận tập trung phải thu về công ty mẹ từ một số công ty TNHH MTV 100% bị giảm so với trước kiểm toán.
Nhà thầu Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) cũng báo lãi giảm mạnh 129 tỷ đồng, xuống còn 335 tỷ đồng chủ yếu do CTD đã tăng trích lập dự phòng so với báo cáo tự lập khiến chi phí quản lý tăng mạnh.
Cùng ngành, do Công ty kiểm toán đề nghị xác định lại doanh thu một số căn hộ dự án 26 Liễu Giai và trích bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp đã khiến lãi sau thuế của Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (HNX: SDU) giảm 68% so với trước kiểm toán, xuống còn 128 triệu đồng. Đáng chú ý, đây cũng là con số lãi thấp kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này chào sàn HNX (28/09/2009).
Chung họ nhà FLC, lãi sau thuế của Xây dựng Faros (HOSE: ROS) và Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (HOSE: GAB) đồng loạt bị “thổi bay” 58% và 45% so với báo cáo tự lập. Về phía ROS, Công ty ghi tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp từ việc loại trừ bổ sung chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo quy định sau khi trích lập dự phòng bổ sung vào công ty con trên BCTC riêng. Đối với GAB, lãi sau thuế tuột dốc sau kiểm toán do phải bổ sung trích trước một số chi phí theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán.
Những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp đứng đầu ngành hàng không phải chịu cảnh “lao đao”. Không chỉ tăng lỗ hơn 80 tỷ đồng sau kiểm toán, khoản lỗ 11,178 tỷ đồng đã góp phần khiến cổ phiếu của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines , HOSE: HVN) vào diện cảnh báo (do Vietnam Airlines có lợi nhuận chưa phân phối âm 9,328 tỷ đồng).
Kiểm toán còn nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của HVN: “Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng tới tình hình tài chính của Tổng công ty. Khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Việt Nam và việc gia hạn thanh toán khoản vay từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến Covid-19”.
Cùng cảnh ngộ, Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) ghi nhận lỗ tăng thêm 48 tỷ đồng, nâng tổng lỗ sau thuế lên 174 tỷ đồng do tăng các khoản lập dự phòng nợ phải thu từ một số đơn vị trong cùng hệ thống. Chi phí dự phòng thuộc chi phí quản lý doanh nghiệp trong báo cáo kiểm toán ghi nhận gần 87 tỷ đồng trong khi ở báo cáo tự lập chỉ ghi nhận xấp xỉ 39 tỷ đồng.
Việc xóa sổ hàng tồn kho là yếu tố tác động khiến khoản lỗ sau thuế của Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) tăng hơn 29 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó, ghi nhận lỗ gần 180 tỷ đồng. Mới đây, HĐQT YEG dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc sử dụng một phần nguồn thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2021 trong cuộc họp thường niên sắp tới.
Hồi năm ngoái, YEG cũng dùng nguồn thặng dư vốn để xóa lỗ lũy kế. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho biết việc xóa lỗ lũy kế sẽ giải quyết vấn đề cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo.
Một trường hợp đặc biệt hơn đến từ Truyền thông VMG (UPCoM: ABC) khi mà con số lãi hơn 35 tỷ đồng trong báo cáo tự lập bỗng chốc hóa thành lỗ sau thuế gần 178 tỷ đồng. Nguyên do cho sự lật ngược này phần lớn đến từ khoản trích lập dự phòng rủi ro phải trả ngắn hạn gần 210 tỷ đồng trên báo cáo của Công ty mẹ. Khoản trích lập này cũng được kiểm toán nhắc đến trong cơ sở của ý kiến ngoại trừ với số tiền dự phòng phạt thuế hơn 22 tỷ đồng. Kiểm toán không thể thu thập được bằng chứng về giá trị dự phòng phải trả tiền phạt thuế tại ngày 31/12/2020, do đó không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này trên BCTC hợp nhất hay không.
Nguyễn Tường