Những tháng đầu năm 2021, giá đất tại nhiều địa phương đồng loạt tăng sau các thông tin quy hoạch hoặc doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu, khảo sát vị trí đầu tư dự án và đầu cơ cũng góp phần thổi giá.
Nếu tính bình quân tại các khu đô thị, tiền sử dụng đất chiếm trên dưới 10% giá thành căn hộ chung cư; 20 – 30% giá thành nhà liền kề thấp tầng; trên dưới 50% giá thành biệt thự. Ở khu vực ngoại thành, nông thôn, tỷ lệ này sẽ thấp hơn. Bộ Xây dựng nhận định, trường hợp chi phí đất của một dự án được căn cứ trực tiếp theo bảng giá đất do các địa phương ban hành, giá đất tăng 15 – 20% kéo theo giá thành bất động sản nhà ở tăng 1,5 – 5%.
Tuy nhiên, bảng giá đất do các địa phương công bố được áp dụng trong 5 năm. Hiện nay, các địa phương đang sử dụng bảng giá đất từ năm 2020 đến hết năm 2024, tức các địa phương đã thực hiện ổn định bảng giá đất từ đầu năm 2020 (trừ tỉnh Lào Cai có điều chỉnh Bảng giá đất một số đoạn đường). Về trường hợp này, ông Đào Trung Chính, Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, giá các loại đất theo Bảng giá không tăng trong đầu năm 2021 mà do các nguyên nhân khác.
Thực tế, sốt đất là hiện tượng dễ gặp trên thị trường bất động sản. Song, cơn sốt đất quy mô lớn như hiện nay không còn là điều bình thường. Nhiều người cho rằng cần phải có biện pháp kiểm soát sốt đất để tránh nguy cơ đổ vỡ bất động sản, dẫn đến suy kiệt nền kinh tế,…
Nhiều địa phương đã ra văn bản cảnh báo về hoạt động mua bán đất đai trên địa bàn, nhất là những khu vực có thông tin quy hoạch sân bay như Hớn Quản (Bình Phước), Phan Thiết (Bình Thuận), tiếp đó là những địa phương có sốt đất như Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Kiên Giang,…’
Tính riêng ở khu vực phía Nam, thống kê của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, giá đất một số vị trí mặt tiền đường quận 9 tăng lên 100 triệu đồng/m2; hay giá đất khu vực phường Trường Thọ, quận Thủ Đức tăng 40% so với năm 2019 lên mức 70-90 triệu đồng/m2.
Ở Đồng Nai, giá đất tăng gần gấp đôi lên khoảng 22 triệu đồng/m2; thậm chí giá đất tại một số địa phương như thị trấn Long Thành chạm ngưỡng 100 triệu đồng/m2,…
Tại Bình Dương, giá căn hộ bình quân cũng tăng khoảng 15% so với năm 2019, ghi nhận 30 – 35 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi 37 – 38 triệu đồng/m2.
Dư nợ tín dụng tiêu dùng của Việt Nam tính đến cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với tỷ lệ 8% ở năm 2012. Trong đó, tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%). Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2019, loại tín dụng này được thống kê vào nhóm tín dụng bất động sản.