Ngân hàng TMCP Bản Việt VietCapitalBank với tiền thân là Ngân hàng TMCP Gia Định. Cuối năm 2011, Gia Định đề xuất tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Dù việc tăng vốn thực hiện thành công nhưng Bản Việt vẫn có quy mô nhỏ. Sau đó, con đường tăng vốn của ngân hàng này khá gập gềnh.
Chật vật tăng vốn
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của Bản Việt đã chấp thuận kế hoạch tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên một báo cáo của Bản Việt gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước giữa năm 2017 cho biết ngân hàng chưa thể tiến hành tăng vốn vì nhu cầu góp vốn mới của cổ đông lớn và các cổ đông khác là không khả quan; phương án tăng vốn điều lệ trình Ngân hàng Nhà nước theo đó không thể hoàn thành.
Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc Viet Capital Bank tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Viet Capital Bank thông qua tại Nghị quyết số 01A/18/NQ-ĐHĐCĐ ngày 27/4/2018 và Hội đồng quản trị Viet Capital Bank thông qua tại Nghị quyết số 92/18/QĐ-HĐQT ngày 05/7/2018. Tuy nhiên, tới cuối năm 2020, vốn điều lệ của ngân hàng này vẫn chỉ là 3.171 tỷ đồng, chỉ cao hơn hai ngân hàng PGBank và SaigonBank.
VietCapitalBank là ngân hàng thường xuyên có tỷ lệ nợ xấu khá cao. Ngoài nợ xấu nội bảng, VietCapitalBank còn nợ xấu tại VAMC. Tuy nhiên, trong quý 1/2020, VietCapitalBank đã mua lại những khoản nợ đó để nợ xấu chỉ quy về một bảng.
Mua lại nợ xấu tại VAMC nhưng năm 2020, VietCapitalBank chứng kiến nợ xấu nội bảng tăng đáng kể. Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ xấu tại VietCapitalBank đạt 1.102 tỷ đồng, chiếm 2,77% tổng dư nợ tín dụng. Các con số này trong năm 2019 là 853 tỷ đồng và 2,5%. Có thể thấy, nợ xấu tại VietCapitalBank tăng cả về số tuyệt đối và tỷ lệ.
Không chỉ nợ xấu “nóng hơn”, nợ có khả năng mất vốn tăng từ 559 tỷ đồng lên 760 tỷ đồng. Nợ xấu tăng khiến VietCapitalBank mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Trong quý 4/2020, chi phí này bứt phá từ hơn 1 tỷ đồng lên 95,6 tỷ đồng; luỹ kế cả năm đạt 347 tỷ đồng, cao vượt trội so với 110 tỷ đồng của năm 2019.
Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc VietCapitalBank giải thích do tác động của đại dịch Covid-19 nên quá trình xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu chậm lại. VietCapitalBank đã tất toán xong trái phiếu VAMC (là khoản nợ xấu trước đó đã bán cho VAMC) từ cuối tháng 4/2020, nhưng phải tăng trích lập dự phòng do chưa thu hồi được nợ.
Cổ phiếu “rẻ bèo”
Đầu năm, ngân hàng Bản Việt muốn chào bán ra công chúng hơn 35,2 triệu cổ phiếu BVB với mức giá chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn thị giá khoảng 30%. Nếu thương vụ thành công, Bản Việt sẽ thu về hơn 352 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán dự kiến sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
Trong ngành ngân hàng Việt Nam, các đơn vị thành viên ngày càng “phân cấp” rõ nét. Trong khi TPB, Techcombank và VPBank không ngừng vươn lên, những đơn vị “Top dưới” vẫn giậm chân tại chỗ. Xét về vốn điều lệ, BaoVietBank, SaigonBank, GPBank, CBBank và PGBank là Top 5 đứng từ dưới lên. Còn xét theo danh sách các ngân hàng có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán, Top 5 này bao gồm PGBank, SaigonBank, VietCapitalBank, KienlongBank và NCB.
Có thể thấy, xét về vốn điều lệ, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) với 3.171 tỷ đồng chỉ đứng trên PGBank (3.000 tỷ đồng), SaigonBank (3.080 tỷ đồng). Thế nhưng, xét về thị giá cổ phiếu, BVB của VietCapitalBank lại đứng bét bảng, thấp hơn cả PGB và SGB.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch 26/3, BVB dừng ở mức 13.100 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, thị giá của PGB và SGB lần lượt là 15.100 đồng/cổ phiếu và 13.300 đồng/cổ phiếu. Những đơn vị có vốn điều lệ cao hơn một chút như KienlongBank và NCB có giá cổ phiếu cao hơn khá nhiều, đạt 17.700 đồng/cổ phiếu và 14.600 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ là cổ phiếu bét bảng. Trước đây, BVB thậm chí đã có một khoảng thời gian giao dịch dưới mệnh giá. BVB chào sàn từ ngày 9/7/2020. Chỉ sau đó 12 phiên, BVB giảm sâu và đánh mất mốc 10.000 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên 27/7/2020, BVB dừng ở mức 9.670 đồng/cổ phiếu sau khi giảm sàn. BVB có chuỗi 12 phiên “dưới mặt đất”. Phải tìm ngày 12/8/2020, BVB mới đạt 10.590 đồng/cổ phiếu.
Nhật Hạ
( Tổng Hợp)