Cầu Thủ Thiêm 2, dự án chống ngập, tuyến metro số 1, 2… Tuy nhiên, đến nay các dự án vẫn đang ì ạch, liên tục lùi tiến độ hoàn thành. TP.HCM sẽ chú trọng đầu tư đồng bộ kết nối hạ tầng giao thông và giải quyết việc tồn đọng đối với các nhóm dự án trọng điểm.
Đến thời điểm hiện tại, do gặp một số vướng mắc như: Ảnh hưởng của dịch COVID-19, vướng mặt bằng, thiếu vốn… đã khiến cho các dự án trọng điểm nói trên bị ì ạch, liên tục dời tiến độ hoàn thành.
Hi vọng đường sắt đô thị
Theo báo cáo của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa gửi UBND TP.HCM về tình hình triển khai tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đến tháng 3/2021, đơn vị này cho biết, sau đợt bùng phát dịch lần thứ 3 vào cuối tháng 1, công trường bị thắt chặt kiểm soát, nhân sự gặp biến động, khiến tiến độ tuyến metro số 1 chỉ đạt 82,5% khối lượng công việc.
Trong đó, gói CP1a (đoạn ngầm Ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố) đạt 81,5% khối lượng công việc; gói CP1b (đoạn ngầm ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son) 91%; gói CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 90,5%; gói CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) 65%.
Cũng theo báo cáo, tuyến metro số 1 đã điều chỉnh kế hoạch vận hành, khai thác sang năm 2022, thay vì năm 2021 như trước đó. Cụ thể, MAUR cho biết, tới quý IV/2021, tuyến metro số 1 sẽ chạy thử đoạn trên cao từ ngã tư Bình Thái về depot Long Bình trước khi chuẩn bị cho việc vận hành toàn tuyến. Cũng trong thời gian này, chủ đầu tư sẽ tổ chức các công việc cần thiết cho công tác vận hành, đào tạo, chuyển giao công nghệ, nghiệm thu bàn giao.
“Việc đưa ra kế hoạch vận hành thử nói trên, nhằm chuẩn bị cho vận hành toàn tuyến metro số 1 và tiến đến khai thác thương mại năm 2022”, MAUR thông tin.
Dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) được khởi công xây dựng từ tháng 8/2012, có tổng chiều dài 19,7km, trong đó, đoạn đi ngầm 2,6 km và đoạn đi trên cao 17,1km. Với 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao) và 1 depot. Đi qua các quận gồm: Quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, Thủ Đức của TP.HCM và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.757 tỷ đồng trong đó, vốn vay ODA của Nhật Bản hơn 185 tỷ Yên (tương đương 38.265,55 tỷ đồng), vốn từ ngân sách TP.HCM là 5.491,6 tỷ đồng.
Đối với metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), tại báo cáo vừa gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư về tình hình triển khai dự án, UBND TP.HCM cho biết, dự án metro số 2 đang còn một số vướng mắc như: Thẩm định lại điều kiện vay vốn; gia hạn khoản vay của Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) vì đã hết hạn vào ngày 31/12/2020; ký phụ lục Hợp đồng tư vấn thực hiện dự án (IC) do tư vấn đã ngừng tham gia dự án từ năm 2018.
Do đó, UBND thành phố kiến nghị Bộ KH&ĐT hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn để dự án có thể hoàn thành đúng kế hoạch.
Về tiến độ dự án, đến nay, công trình đã được bàn giao mặt bằng sạch đạt 74% (462/603 hộ) và dự kiến hoàn thành trong những tháng tiếp theo. Còn với gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, dự kiến từ tháng 8/2021 sẽ bắt đầu thực hiện.
Theo UBND TP.HCM, hiện MAUR đang hoàn tất các thủ tục để mời thầu trong năm 2021 và dự kiến có thể trao thầu, khởi công dự án vào giữa năm 2022.
Dự án metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) thuộc công trình đường sắt đô thị thuộc cấp đặc biệt, với tổng mức đầu tư gần 47.891 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 18.512 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hỗ trợ gần 4.181 tỷ đồng…
Dự án có tổng chiều dài là 11,2km, dự kiến đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Phú, Tân Bình với đoạn đi ngầm dài khoảng 9,2 km, đoạn đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 2 km.
Theo kế hoạch trước đó, tuyến metro số 2 sẽ khởi công năm 2021, hoàn thành sau 5 năm, nhưng do gặp một số vướng mắc nên việc khởi công dự án phải lùi sang giữa năm 2022 và kỳ vọng sẽ đưa vào khai thác năm 2026.
Kết nối các đại đô thị
Liên quan đến cầu Thủ Thiêm 2, mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, UBND quận 1 đã có văn bản xác định thời gian bàn giao mặt bằng trong quý II/2021. Nhà đầu tư cũng cam kết hoàn thành toàn bộ dự án để đưa vào khai thác vào quý II/2022.
Tuy nhiên, Sở GTVT TP.HCM sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan và nhà đầu tư nỗ lực để đưa công trình này vào khai thác trước 30/4/2022. Công tác thanh toán, quyết toán, kết thúc hợp đồng BT sẽ tiếp tục thực hiện sau khi dự án đưa vào khai thác. Các thủ tục này sẽ hoàn tất vào quý I/2023.
Như vậy, đây là lần thứ 3 công trình này bị lùi thời gian hoàn thành. Trong đó, lần đầu cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018 và sau đó, theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự án lần nữa được UBND TP.HCM chấp thuận dời thời gian hoàn thành đến ngày 9/9/2020.
Tại kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng cho hay, dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong KĐTM Thủ Thiêm theo kế hoạch cam kết tiến độ của các bên thì đến quý I/2022 mới hoàn thành (chậm hơn 4 năm), nguyên nhân chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng.
Dự án có tổng chiều dài 11,9 km, chiều rộng từ 11,6 m đến 55 m với số tiền đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.000 tỷ đồng.
Trong đó, tuyến lớn nhất ký hiệu R1 (Đại lộ Vòng cung) với chiều dài 3,4 km, có mặt cắt ngang 55 m, 6 làn xe; đường R2 (đường Ven hồ trung tâm) dài 3 km, mặt cắt ngang 29,2 m; đường R3 (tuyến đường ven sông Sài Gòn) dài 3 km, mặt cắt ngang 28,1 m; Đường R4 (đường Vùng châu thổ) dài 2,5 km, mặt cắt ngang 11,6 m. Sau khi hoàn thành, 4 tuyến đường này sẽ nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng cho Khu Đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm.
Về tiến độ dự án, sau khi hoàn thành được 70% khối lượng công việc, từ tháng 8/2020 đến nay cầu Thủ Thiêm 2 đã bị ngưng thi công. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, trong đó, mặt bằng phía quận 1 còn vướng đền bù giải tỏa 11.114m2 đất của Nhà máy Ba Son, 1.607m2 đất của Bộ tư lệnh Hải quân và 158,7m2 đất của Văn phòng Chính phủ quản lý.
Bên cạnh đó, một số hạng mục như, kết cấu trụ tháp S2 giữa sông đã thi công được 27/34 đốt trụ, hoàn thành sản xuất 100% dầm thép tại bãi và lắp đặt được 11/17 đốt. Phần vật tư dây văng đã được nhà thầu nhập khẩu 100% khối lượng từ châu Âu về tập kết tại công trường; thi công căng cáp dây văng đã đạt 36/56 bó cáp.
Cầu Thủ Thiêm 2, được khởi công từ đầu năm 2015 do Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư, với tổng số vốn là 4.260 tỷ đồng. Cầu có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài là 1.465m. Trong đó, phần cầu dài 885,7m, được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiến trúc cầu Rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm, là biểu tượng cổng chào từ Trung tâm thành phố qua Khu ĐTM Thủ Thiêm. Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật thì cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và về đêm.
Dự án Giải quyết ngập nay ngổn ngang
Dự án được khởi công vào hồi tháng 6/2016, với 8 hạng mục chính, trong đó gồm 6 cống ngăn triều: Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân, Tân Thuận, cùng các tuyến đê kè, hệ thống SCADA.
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 – quy mô 10.000 tỷ đồng (dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng) do CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) làm chủ đầu tư.
Sau gần 1 năm tạm ngừng thi công, ngày 27/2/2019, dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng được chính thức tái khởi công xây dựng. Trung Nam Group cho biết sẽ hoàn thành dự án vào tháng 6/2019, tuy nhiên, sau đó phía doanh nghiệp này tiếp tục lùi ngày hoàn thành vào các tháng 6, 10, 12/2020.
Cho đến thời điểm hiện tại, dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành và có nguy cơ trở thành dự án treo vĩnh viễn do phụ lục hợp đồng BT giữa chính quyền TP.HCM và Trung Nam Group đã hết hạn từ tháng 6/2020, đến nay vẫn chưa thể ký gia hạn.
Liên quan đến vấn đề phụ lục hợp đồng, mới đây, Trung Nam Group đã có văn bản gửi UBND TP.HCM để thông tin về thiệt hại do tạm dừng dự án. Theo văn bản, phụ lục hợp đồng BT số 4769/2019 ký ngày 18/11/2019 giữa UBND TP.HCM và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, thời gian thực hiện hợp đồng đã hết hạn vào ngày 26/6/2020 nhưng đến nay UBND thành phố vẫn chưa ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.
Ngày 3/12/2020, UBND TP.HCM có chỉ đạo không dừng dự án nhưng khi phụ lục hợp đồng BT chưa được ký không biết sẽ triển khai dự án bằng cơ sở pháp lý nào, nên nhà đầu tư rất lúng túng. Phía Trung Nam cho biết, thiệt hại mỗi ngày do việc chậm ký phụ lục hợp đồng BT và chậm bố trí vốn thanh toán cho Ngân hàng Nhà nước ước tính khoảng 45,6 tỷ đồng.
Để giải quyết khó khăn vướng mắc của dự án, Trung Nam Group đề nghị UBND TP.HCM sớm làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ cho dự án tiếp tục thực hiện, sớm đưa vào sử dụng. Hiện, dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng đã thực hiện được 95% khối lượng công việc.