Không phải ai đầu tư bất động sản cũng thắng, những năm vừa qua có nhiều doanh nghiệp lao đao. Cầm cố, vay nợ, hàng tồn,… rất nhiều đại gia bất động sản bị kẹt hàng, đặc biệt các đại gia kinh nghiệm nhưng đã vay mượn quá nhiều để mở rộng đầu tư.
Thông tin từ đấu giá tài sản trong năm qua cũng cho thấy, nhiều ngân hàng liên tục rao bán các bất động sản để xử lý nợ xấu. Tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong 2021, tức là sẽ có nhiều nơi không thanh khoản, làm cho những người không có dự trù về rủi ro tài chính rơi vào khó khăn.
Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Chí Thanh cho rằng, trong năm qua doanh nghiệp kinh doanh và nhà đầu tư BĐS gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, cùng với đó là những vấn đề pháp lý liên quan đến việc cấp phép mới cho dự án bị siết chặt, khiến cho thị trường bị giảm nguồn cung mới sản phẩm. Cụ thể, tại Hà Nội lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng năm 2020 chỉ đạt 66,9% so với năm 2019, thị trường TP Hồ Chí Minh lượng cung mới chào bán bằng 72,6%.
Thông thường, xu thế phát triển của những công ty hàng đầu trên thế giới là tiếp tục chuyên môn hóa sâu để tự chủ và vượt trội về công nghệ, sản phẩm mới, tạo chuỗi liên kết vững chắc về nguyên liệu sản xuất, logistics, thị trường.
Ngoài ra, nếu còn lực nữa, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển thêm ngành gần để thực sự trở thành tập đoàn, hoặc chuyên một lĩnh vực như Cocacola, Toyota, hoặc đa ngành như Samsung, Jonhson and Jonhson,…
Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp chững lại và nhảy vào bất động sản với quy mô vượt hơn ngành chính như Kinh Đô, Trường Hải (dự án Thủ Thiêm có quy mô vốn hơn mảng ô tô). Hay như một doanh nghiệp lừng tiếng về cà phê đã chính thức bước chân vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Hầu hết những ông chủ đã kinh doanh thành công khi chuyển qua đất vẫn kinh doanh thành công tiếp. Ở chiều ngược lại, đa số các đại gia kinh doanh đất thành công, nếu muốn chuyển qua làm công ty sản xuất kinh doanh đều không dễ.
Bên cạnh những doanh nghiệp trong ngành liên tục mở rộng quỹ đất và đề xuất đầu tư dự án, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thời gian gần đây cũng có động thái lấn sân vào mảng bất động sản thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Hàng tồn ngàn tỷ
Theo Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng, tổng hợp lũy kế đến cuối năm 2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2020 ước tính vào khoảng gần 9.000 sản phẩm. Trong đó, các khu vực có số lượng BĐS đưa ra thị trường chưa được hấp thụ nhiều chủ yếu là các địa phương chịu nhiều tác động ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Dương… trong khi các tỉnh, TP lớn và những địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh cơ bản vẫn giữ được phát triển ổn định, lượng nhà ở đưa ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức vừa phải. Đáng chú ý, mặc dù số lượng giao dịch ít, nhưng giá bán các sản phẩm thì không giảm.
Kết thúc năm 2020, tổng giá trị hàng tồn kho của Tập đoàn Đất Xanh là 10.251 tỷ đồng, tăng hơn 3.400 tỷ đồng so với năm ngoái. Tồn kho của doanh nghiệp chủ yếu nằm tại các dự án như Gem Skype World (3.553 tỷ đồng), Gem Riverside (1.558 tỷ đồng) và Opal Boulevard (1.199 tỷ đồng)…
Với tình hình năm 2020, khoảng gần 60% tài sản của AGG đang nằm ở hàng tồn kho. Được biết, việc hàng tồn kho tăng vọt bất thường này đến từ việc AGG nhận hợp nhất công ty Hoàng Ân.
Cuối tháng 6/2020, AGG đã mua thêm 5% cổ phần Hoàng Ân, tăng tỷ lệ sở hữu từ 45,01% lên 50,01%, do đó các tài sản của Hoàng Ân được hợp nhất vào AGG, trong đó giá trị hàng tồn kho được hợp nhất là khối động sản đang dở dang là dự án The Sóng.
Trong cơ cấu hàng tồn kho của AGG, dự án The Sóng chiếm 2.608 tỷ đồng, tiếp đến là các dự án The Westgate với 1.323 tỷ đồng, dự án River Panorama 1 và 2…
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Kinh Bắc trong năm 2020 âm hơn 3.141 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn là 1.539 tỷ đồng. Khoản hàng tồn kho đạt 11.303 tỷ đồng, tăng tới gần 50% so với đầu năm, chiếm gần một nửa tài sản.
Ngụp lặn trong khó khăn chung của thị trường BĐS TP.HCM còn có DRH Holdings. Kết thúc quý 4/2020, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ bị âm 9,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 6,1 tỷ đồng.
Kết quả này dẫn đến lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 4/2020 của DRH Holdings chỉ đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 20,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị BĐS dở dang của doanh nghiệp này tăng 11 tỷ đồng so với đầu năm, từ 815 tỷ đồng lên 826 tỷ đồng.
Tương tự, tình hình kinh doanh của TTC Land cũng không khấm khá hơn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn 20,5 tỷ đồng, giảm 88,2% (tương ứng hơn 153 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giá trị hàng tồn kho của TTC Land tình đến cuối tháng 6/2020 ở mức 4.283 tỷ đồng, tăng 124 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Lượng tồn kho của công ty chủ yếu tại dự án Jamona City (1.965 tỷ đồng), Charmington Dragonic (573 tỷ đồng), Charmington Tamashi Đà Nẵng (466 tỷ đồng)…
Về nguyên nhân lợi nhuận giảm sâu, lãnh đạo TTC Land giải thích do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đồng thời, TTC Land đang thực hiện tái cấu trúc danh mục đầu tư để tập trung phát triển các dự án.
Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp BĐS cho thấy có sự đi xuống. Lợi nhuận giảm rõ rệt trong khi lượng hàng tồn kho vẫn không có dấu hiệu được giải toả.
Nhật Hạ
( Tổng Hợp)