Nổi tiếng vì vướng phải lùm xùm ông Huỳnh Uy Dũng được gọi là Dũng “lò vôi” là một trong những người giàu nhất Việt Nam. Theo các công ty kiểm toán, khối tài sản của ông Dũng có thể lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng nếu cổ phần hóa.
Ông Dũng “lò vôi” còn nhiều lần gây xôn xao dư luận với những phát ngôn bạc tỉ và những quyết định gây sốc. Ông từng tuyên bố sẵn sàng chi 100 tỉ đồng để bảo vệ danh tiếng cho vợ, tặng siêu xe trị giá hơn 40 tỉ đồng hay tặng vợ đôi hoa tai bằng kim cương khoảng 30 cara, ước tính giá trị hơn 65 tỉ đồng, nhân kỷ niệm 5 năm ngày cưới.
Ông có tên thật là Huỳnh Phi Dũng, sau đổi tên thành Huỳnh Uy Dũng, sinh năm 1961 ở Bình Định. Ông lập nghiệp ở quê vợ Bình Dương, cũng chính nơi đây ông đã xây dựng được cơ nghiệp đồ sộ cho mình.
Từ lò vôi đến Khu công nghiệp
Sự nghiệp của ông Dũng bắt đầu từ ý tưởng làm lò vôi, sản xuất vôi quét tường, vôi bột công nghiệp. Công việc làm ăn phát đạt, cái tên Dũng “lò vôi” cũng gắn với ông từ lúc này và đặt nền móng cho con đường kinh doanh sau này của đại gia nổi tiếng.
Ông được lãnh đạo tỉnh Sông Bé (Bình Dương bây giờ) giao cho làm Giám đốc Công ty sơn mài Thành Lễ, vốn của một nhà tư sản, đang bị thua lỗ nặng. Ông Dũng đã lèo lái công ty thành doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng đầu của địa phương. Công ty này sau đổi tên thành Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ nổi tiếng cho đến bây giờ.
Đến năm 1996, ông Dũng nghỉ công việc nhà nước, thành lập Công ty CP Đại Nam tiền thân là Công ty Cổ phần phát triểnkhu công nghiệp Thanh Lễ, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng của mình.
Khu du lịch Đại Nam mới là công trình mang tên tuổi của ông Dũng “lò vôi” được nhiều người biết đến. Dự án được xây dựng tại phường Hiệp An, Thành phố Thủ Dầu Một có tổng diện tích hơn 700ha, với quy mô đầu tư 6.000 tỉ đồng được khởi công xây dựng từ năm 1999, đến năm 2008 mới chính thức mở cửa đón khách.
Góp phần mang lại diện mạo mới cho tỉnh Bình Dương với khu công nghiệp Bình Đường. Tiếp sau đó là lần lượt các khu công nghiệp Sóng thần 1, Sóng thần 2 và Sóng thần 3. Khu công nghiệp Sóng Thần 1 có diện tích 178,01ha, khu công nghiệp Sóng Thần 2 có diện tích 279,27ha với tổng vốn đầu tư 423,28 tỉ đồng; khu công nghiệp Sóng Thần 3 có tổng vốn đầu tư 935,945 tỉ đồng, diện tích 533,846ha. vợ chồng đại gia Dũng “lò vôi” còn sở hữu nhiều quỹ đất lớn, phát triển các dự án như triển Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…
Được biết, Đại Nam Corp – hạt nhân trong hệ sinh thái nhà ông Dũng lò vôi, hoạt động trong các lĩnh vực như bất động sản, khu du lịch và KCN lại đang ghi nhận các khoản thua lỗ triền miên trong 5 năm trở lại đây.
Giai đoạn 2016-2018, nguồn thu của Đại Nam tăng trưởng đều hàng năm. Năm 2016, doanh thu thuần của chủ sở hữu khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ở mức 373 tỷ đồng, lãi gộp 320 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp 86% (cao so với một số doanh nghiệp cùng ngành).
Tuy nhiên, công ty báo lỗ sau thuế 51 tỷ đồng. Các khoản phải chi của Đại Nam là quá lớn.
Sang năm 2017, nguồn thu của công ty do doanh nhân sinh năm 1961 làm chủ tăng 9%, lên mức 405 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tương ứng là 371 tỷ đồng. Dẫu vậy, doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi cảnh thua lỗ khi lợi nhuận sau thuế âm tới 105 tỷ đồng.
Đến năm 2018, Đại Nam ghi nhận doanh thu thuần ở mức 454 tỷ đồng, tăng 49 tỷ đồng so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng được cải thiện, lần lượt đạt 438 tỷ đồng và âm 84 tỷ.
Năm 2019 chứng kiến sự lao dốc nghiêm trọng về kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Đại Nam. Trong khi nguồn thu giảm 10% về 409 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2017, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm đến 154 tỷ đồng.
Tính trung bình, chủ khu du lịch lớn nhất Bình Dương mỗi ngày làm ăn thua lỗ 422 triệu đồng.
Mang hơn 300 sổ đỏ thế chấp ngân hàng
Bên cạnh việc sở hữu cơ ngơi nghìn tỷ đồng, vị đại gia này cũng đang gây chú ý với việc mang thế chấp hơn 300 sổ đỏ dự án Khu nhà ở Đại Nam tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương để vay ngân hàng.
Nội dung này được thể hiện rõ trong văn bản số 318/VPĐKĐĐ&CGCN ngày 2/2/2021 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về việc cung cấp danh sách chủ đầu tư đã thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
“Căn cứ thông tư liên tịch số 07/2019/TT-BTP ngày 25/11/2019 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Nay văn phòng Đăng ký đất đai cũng cấp danh sách chủ đầu tư đã thế chấp dự án nhà ở tại Văn phòng đăng ký đất đai cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, Công ty Cổ phần Đại Nam: 309 GCN”, văn bản của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương ghi rõ.
Cũng theo thông tin từ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương, hơn 300 sổ đỏ này được Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam thế chấp cho khoản tín dụng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Bình Dương theo hồ sơ số 03981.
Trước đó, tháng 10/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cũng đã công khai danh sách 31 sổ đỏ dự án Khu nhà ở Đại Nam đang được Công ty Cổ phần Đại Nam thế chấp tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Bình Dương theo hồ sơ số 2629 – 2630.
Dự án Khu nhà ở Đại Nam có quy mô 105,8 ha, do Công ty Cổ phần Đại Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Đại Nam tiền thân là Công ty cổ phần phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ, được thành lập tháng 3/1996 do ông Huỳnh Uy Dũng (đại gia Dũng “lò vôi”) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc.
Dự án được Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 số 2717/QĐ-UBND ngày 9/10/2017, Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư số 2862/ QĐ-UBND ngày 12/10/2018.
Với vị trí đắc địa nằm trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương, dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đáng sống và đầu tư sinh lợi bậc nhất tại Bình Dương cho khoảng 20.000 người.
Thế nhưng, tháng 5/2019, thời điểm vừa bắt đầu thực hiện thi công dự án, Công ty Cổ phần Đại Nam bị Thanh tra Sở Xây dựng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng không phép.