Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh bao gồm ba khu phố 4,5,8 của phường Nguyễn Cư Trinh; với 1.424 hộ dân nằm trong diện giải tỏa. Theo quy hoạch, diện tích thu hồi là 68.500m2. Vào năm 2009, số tiền đền bù giải phóng mặt bằng là khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với thời điểm hiện tại, số tiền đền bù này dù chưa được tính toán nhưng con số khả năng sẽ tăng lên rất lớn.
Theo báo cáo mới đây nhất của UBND quận 1 về tiến độ dự án khu Mả Lạng, dự án này đã tiến hành điều tra khảo sát, đo đạc nhà – đất của 1.360 hộ dân và tổ chức tại dự án, còn 3 hộ chưa thực hiện.
Đồng thời, dự án đã triển khai bản vẽ hiện trạng và đất đối với 1.151 trường hợp; đã dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp nhà đất chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Như vậy, kể từ thời điểm đó đến nay, dự án khu Mả Lạng lại tiếp tục rơi vào trạng thái “đắp chiếu”, chưa thể hẹn ngày triển khai và người dân trong khu vực lại tiếp tục sống trong tình cảnh chật vật, trông chờ ngày giải tỏa.
Về phương án đền bù, giải tỏa được UBND quận 1 đưa ra vào năm 2017, dự án sẽ trải qua 11 bước, sau khi có thông báo thu hồi đất, sẽ thực hiện các bước tiếp theo như: Điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, thuê đơn vị thẩm định giá độc lập, lập phương án tái định cư, xác định mức giá đền bù cụ thể…
Trong đó, việc thẩm định giá đền bù sẽ tính theo giá thị trường, dựa vào giao dịch thành về việc mua bán nhà ở trong khu vực và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, dự kiến cuối năm 2017 công bố mức giá đền bù cụ thể; đến tháng 9/2018 hoàn thành công tác thu hồi đất. Nhưng kế hoạch đã bị chậm tiến độ và kéo dài cho đến nay.
Về dự án tái định cư, chủ đầu tư đang trình phê duyệt hồ sơ thiết kế, quy hoạch 1/500. Để thống nhất giá bán, giá cho thuê mua căn hộ chung cư tái định cư, UBND quận 1 đã có công văn số 925, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gửi Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tại 4 tuyến đường (Nguyễn Cư Trinh, Trần Đình Xu, Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh) thuộc khu Mả Lạng cho thấy, sự đối lập được thể hiện rõ rệt nơi đây, trong khi phía mặt tiền 4 tuyến đường, các hoạt động buôn bán rất nhộn nhịp, cùng với đó là những tòa nhà tráng lệ, thì đi càng sâu vào bên trong khu dân cư các con hẻm lại càng hẹp dần, thậm chí có những hẻm chỉ đủ cho một xe máy lưu thông qua, san sát nhau là những căn nhà nhỏ, chật chội.
Phần lớn người dân tại đây là người lao động mưu sinh bằng các nghề như: Chạy xe ôm, phụ hồ, bán vé số,… xen lẫn đó là cuộc sống với nhiều thế hệ chen chúc nhau tại những ngôi nhà nhỏ, thậm chí có nhà chưa đến 20m2, đang mong mỏi chờ đến ngày đến bù giải tỏa.
Vào năm 2000, UBND TP.HCM đã có chủ trương giải tỏa nhằm thực hiện quy hoạch chỉnh trang đô thị khu Mả Lạng và dự án khu Mả Lạng được xem là một trong những chiến lược đột phá của TP.HCM trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, với mục tiêu xây dựng một khu phức hợp, bao gồm nhiều công trình có chức năng khác nhau như: Văn phòng, thương mại, dịch vụ, căn hộ, bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí… với quy mô lớn, hiện đại.
Viễn cảnh được “vẽ” ra là thế nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại đã gần 14 năm trôi qua kể từ khi khu tứ giác này được giao cho một tập đoàn khác và hơn 20 năm kể từ thời điểm có chủ trương chỉnh trang khu Mã Lạng, nhưng mọi việc mới chỉ dừng lại ở các bước chuẩn bị và rồi “án binh bất động” khiến cuộc sống của người dân nơi đây lâm vào tình cảnh chật vật, khốn khổ dù mang tiếng là sống trên “đất vàng” của TP.HCM.