Vừa qua cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) nhận được đơn của Kim Oanh, tố cáo THP, vợ chồng ông Minh, bà Trang và “cò” cho vay Nguyễn Hoàng Phú câu kết lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dự án bất động sản của Kim Oanh.
Tập đoàn Kim Oanh nổi tiếng cả nước với quỹ đất sạch lên đến hàng trăm ha giá trị hàng chục ngàn tỷ, có hàng chục Cty thành viên, hàng ngàn cán bộ nhân viên. Có một câu hỏi đặt ra: “Dù có mất dự án Minh Thành giá trị ngàn tỷ, cũng không phải mất tất cả. Danh dự tự tôn mới là điều quan trọng nhất của mỗi con người, vậy vì sao phải quỳ sụp lạy dưới chân người khác?”.
Trả lời câu hỏi này, bà Oanh nói: “Thực sự hành động quỳ lạy đó chỉ là bột phát, tôi cũng không ngờ mình sẽ làm như vậy. Có lẽ đó là hệ quả của một quá trình rất dài phải sống trong uất ức, dày vò, tủi thân…”.
Bà Oanh khai: “Trước đó, khi biết được sự việc THP và ông Minh, bà Trang câu kết chiếm đoạt tài sản, tôi nhiều lần nhắn tin van xin, rồi gửi công văn; nhưng các tin nhắn không được trả lời, hình như bị chặn; công văn trả lời thì nội dung lòng vòng, đổ lỗi. Tôi quá uất ức, khi dụ tôi vay thì THP đón tiếp hân hoan, cho xem những phim, hoạt động, thông điệp của gia đình họ lên để tôi xem, đưa sách viết về họ để tôi đọc, giới thiệu cô Phương là diễn giả của những diễn đàn tầm cỡ thế giới… Tôi đã tưởng họ là một tập đoàn lớn chuyên cho vay tài chính, uy tín… Ai ngờ tôi mắc mưu, trở thành một nạn nhân, nhục nhã vô cùng”.
“Trước đó, tôi đã cố gắng chờ tiếp trong 3 tháng, nhờ người can thiệp, viết tâm thư, làm đủ kiểu; nhưng mà bất lực, không thể gặp THP và ông Minh, bà Trang. Tôi cứ nghĩ trong vòng 3 tháng ấy, họ sẽ suy nghĩ lại và cho mình chuộc lại tài sản, mình có thể mất thêm ít tiền cũng được. Không ngờ họ càng có thời gian để bắt tay nhau lừa đảo tinh vi hơn.
“Cò” Phú điện thoại “chị Oanh ơi chú tính nóng lắm, chị cứ nhẹ nhàng, thời gian này chị đừng làm gì hết”. Trên thực tế đó là những ngày để ông Minh, bà Trang lên THP tiếp tục ký một số hồ sơ giả để lấy thêm tiền, để hoàn thiện chứng từ “nuốt trọn” dự án của chúng tôi.
Họ còn “tung hỏa mù” giới thiệu một số DN tới gặp chúng tôi, nói muốn tìm hiểu đầu tư hợp tác trong dự án Minh Thành, nên tôi càng lầm tưởng họ sẽ cho chúng tôi chuộc lại dự án. Tới ngày 2/10/2020, tôi biết được dự án đã chuyển tên từ bà Trần Ngọc Bích qua cho người khác thì tôi hỗn loạn thực sự”.
Theo đơn của Kim Oanh, khi muốn vay 350 tỷ, THP đã bắt Kim Oanh phải giả cách cho vợ chồng ông Phạm Hoàng Minh và bà Hồ Thị Diễm Trang đứng tên 50% cổ phần Cty CP BĐS Minh Thành Đồng Nai (Cty do Kim Oanh là chủ sở hữu – có tài sản là dự án Minh Thành); sau đó tiếp tục bắt Kim Oanh lần nữa giả cách cùng vợ chồng Minh – Trang bán 100% cổ phần Cty Minh Thành cho THP. Đến thời hạn trả nợ, chuộc lại tài sản, THP và vợ chồng Minh – Trang “biến giả thành thật”, không trả lại tài sản cho Kim Oanh.
“Trước khi tố cáo, tôi rất áy náy lương tâm. Thật tình tôi không muốn “chiến đấu” với họ, DN mà đấu đá nhau thì cả hai bên đều khổ, đều đau xót, đều thiệt hại. THP lại là tập đoàn lớn, tiền họ hơn, lực họ hơn mình… Đường cùng, tôi nói mấy đứa con “Bốn đứa hôm nay đi với mẹ xuống THP, còn đường cuối cùng là van xin năn nỉ họ, mong họ còn tình người mà trả lại tài sản cho nhà ta”. Các con hỏi: “Mẹ ơi có cần thiết phải như vậy không? Nhà mình mất Minh Thành thì cũng đâu có phá sản?”. Tôi trả lời: “Các con thương mẹ thì đi cùng, có thể nhìn thấy các con mà họ động lòng hơn, nếu không chắc mẹ uất ức hộc máu mà chết”.
“Mấy mẹ con đến cổng THP thì phải giới thiệu là Cty Phú Thuận Lợi chứ không dám giới thiệu là Cty Kim Oanh vì họ không cho vào. Đi vào, tôi nhìn thấy ông Thanh đang ngồi họp. Thấy tôi, họ giải tán cuộc họp ngay. Tôi xin gặp ông Thanh thì người của THP nói ông Thanh đi công tác, dù tôi mới thấy ngồi họp đó”.
“Phương ra gặp, một mực đòi có mặt ông Minh, bà Trang mới làm việc, rồi bỏ đi. Dự án cả ngàn tỷ, tôi cầm cố vay 350 tỷ, trả ông Minh, bà Trang 115 tỷ, trả lãi THP hơn 90 tỷ, bị THP “phạt” 35 tỷ, mất cho “cò” Phú hơn 17 tỷ, vậy là tôi chỉ còn cầm có hơn 80 tỷ. Tài sản ngàn tỷ mà chỉ đổi được hơn 80 tỷ, còn uất ức nào bằng? Thế nên tôi tuyệt vọng quỳ xuống khóc lóc van xin. Tôi van xin, tôi lạy vì không muốn đối đầu”.
Có những cú quỳ lạy hạ mình xuống, nhưng cũng có những cú quỳ lạy nâng mình lên. “Giọt nước đã tràn ly” ra sao? Và trên cuộc đời này, còn có một chân lý là “không ai ăn cướp được của ai đồng nào”.
Bà Oanh khóc suốt cuộc nói chuyện, một mực cho hay ông Minh, bà Trang và THP tìm mọi cách tránh né bà Oanh, không hợp tác; “năn nỉ” bà Phương rằng muốn bà Oanh trả thêm tiền cũng được; chỉ cần cho chuộc lại tài sản là “mồ hôi nước mắt của chị”. Bà Phương vẫn nhiều lần khước từ, “chốt” vấn đề: “Để có họ rồi mình trao đổi luôn cho dễ”, rồi đứng dậy quay mặt bước đi. Bà Oanh òa khóc, sụp xuống quỳ lạy: “Chị quỳ chị lạy em. Chị quỳ lạy em, hợp đồng của chị đau khổ như vậy”.
Chỉ cách đó vài mét, bà Phương có ngoảnh lại nhìn vài giây, rồi tiếp tục bước đi khuất sau cánh cửa. Tiếng khóc của đàn con òa lên, hòa lẫn với tiếng khóc ai oán của người mẹ.
Trong các chứng cứ Kim Oanh cung cấp cho CQĐT khi tố cáo tập đoàn THP cho vay lãi, bắt ký hợp đồng giả cách “chuyển nhượng tài sản”, sau đó chiếm đoạt luôn tài sản “cầm cố”, có đoạn clip dài hơn 20 phút, được ghi lại vào hồi hơn 17h ngày 28/10/2020 tại trụ sở Tân Hiệp Phát (đại lộ Bình Dương, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Trong đoạn clip kéo dài hơn 20 phút này, là hình ảnh bà Oanh mặt mũi hốc hác, tóc tai bù xù, bộ vest trắng nhàu nhĩ, dắt theo đàn con 4 đứa, đến gặp bà Phương. Trong cuộc hội thoại giữa bà Oanh và bà Phương gồm hơn 3400 từ, bà Oanh một mực năn nỉ THP cho chuộc lại tài sản cầm cố. Trong khi đó bà Phương kiệm lời hơn, một mực cho biết bà Oanh muốn “mua lại tài sản”, thì phải đưa vợ chồng ông Minh, bà Trang đến cùng. Bà Phương cũng nhiều lần cho biết sự việc này cần làm việc bằng “đường công văn”.
Dự án Minh Thành
Công ty Kim Oanh Đồng Nai đã bị lừa phải “ôm quả đắng” khi mà phía đối tác “phù phép” biến “hợp đồng giả” thành “hợp đồng thật”.
Theo hồ sơ, năm 2017, công ty cổ phần Kim Oanh Đồng Nai (Kim Oanh) có thỏa thuận mua lại 100% vốn điều lệ của công ty cổ phần Bất động sản Minh Thành Đồng Nai (Minh Thành) của các cổ đông sở hữu vốn điều lệ của doanh nghiệp này là ông Phạm Hoàng Minh, bà Hồ Thị Diễm Trang và một pháp nhân cũng do các cá nhân này sở hữu với giá 530 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng này bao gồm vốn điều lệ của Công ty Minh Thành và toàn bộ dự án mà công ty này làm chủ đầu tư.
Một trong những dự án “sáng” nhất của Minh Thành làm chủ đầu tư là dự án bất động sản ở huyện Long Thành (Đồng Nai) với diện tích hơn 56 ha. Ở thời điểm cam kết chuyển nhượng cổ phần, dự án này đã được các cấp có thẩm quyền ở Đồng Nai phê duyệt quy hoạch 1/500. Tuy nhiên, Minh Thành mới chỉ nhận bàn giao đất khoảng 31 ha.
Phần diện tích còn lại Minh Thành đang tiếp tục giải phóng mặt bằng và tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan. Theo thỏa thuận giữa Kim Oanh và Minh Thành, thì sau khi Công ty Minh Thành hoàn thành các thủ tục liên quan đến việc chấp thuận đầu tư, quyết định giao đất, phê duyệt thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng của dự án thì ông Phạm Hoàng Minh và bà Hồ Thị Diễm Trang sẽ chuyển nhượng 100% cổ phần cho Công ty Kim Oanh.
Về phương thức thanh toán, Kim Oanh sẽ trả tiền mua cổ phần thành nhiều đợt nhưng sẽ giữ lại 100 tỷ đồng cho đến khi bên bán (Minh Thành) hoàn tất các thủ tục về giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích đất của dự án và thực hiện xong các thủ tục hành chính liên quan đến dự án.
Ðến ngày 8/12/2019, phía Kim Oanh đã thanh toán cho Minh Thành là 265 tỉ đồng tương ứng với 50% cổ phần. Phía Minh Thành cũng đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% cho Kim Oanh. Tiếp đó, biên bản thỏa thuận kí ngày 21/10/2019, hai bên thống nhất: Khi Minh Thành chuyển nhượng đủ 100% cổ phần cho Kim Oanh thì Kim Oanh thanh toán cho Minh Thành 115 tỷ đồng. Khi đó, Minh Thành sẽ bàn giao thực địa 38 ha đất và hồ sơ của 5,3 ha đất cho Kim Oanh.
Để có tiền thực hiện thỏa thuận này, phía Kim Oanh đã đến gặp bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích (thông qua môi giới của một người tự giới thiệu là trợ lý của Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) để vay số tiền 350 tỷ đồng với lãi suất thỏa thuận là 3%/tháng. Tuy nhiên, phía bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích yêu cầu không làm Hợp đồng vay, mượn thông thường. Theo điều kiện của bên cho vay, số tiền 350 tỉ đồng này sẽ được cho vay có bảo đảm bằng 2 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Theo đó, ông Phạm Hoàng Minh và bà Hồ Thị Diễm Trang phải ký hợp đồng chuyển nhượng 50% cổ phần của Công ty Minh Thành Đồng Nai cho bà Trần Ngọc Bích, bà Trần Uyên Phương và Công ty TCS (công ty do bà Bích và bà Phương chỉ định) với giá 115 tỷ đồng.
Số tiền 235 tỷ đồng sẽ được chuyển cho Công ty Kim Oanh Đồng Nai với điều kiện Công ty Kim Oanh Đồng Nai cũng phải ký hợp đồng chuyển nhượng 50% cổ phần của Công ty Minh Thành Đồng Nai đang sở hữu cho bà Trần Ngọc Bích, bà Trần Uyên Phương và Công ty TCS.
Với điều kiện cho vay này, toàn bộ 100% cổ phần của Công ty Minh Thành Đồng Nai được đảm bảo cho khoản vay 350 tỷ đồng và Trần Ngọc Bích, bà Trần Uyên Phương ký cam kết bán lại cho Công ty Kim Oanh Đồng Nai số cổ phần trên (bao gồm cả cổ phần mà ông Phạm Hoàng Minh và bà Hồ Thị Diễm Trang đứng tên). Khi khoản nợ 350 tỷ này được trả đúng hạn, bà Trần Ngọc Bích, bà Trần Uyên Phương và Công ty TCS sẽ trả lại số cổ phần theo cam kết bán lại.
Phía Kim Oanh phải trả lãi 3 tháng/1 lần (với số tiền 31,5 tỷ đồng/lần). Mỗi lần trả tiền lãi, số tiền này được các cá nhân cho vay hợp thức hóa bằng giấy tờ là “đặt cọc” mua lại số cổ phần trên. Theo giấy đặt cọc này thì hết thời gian thực hiện cam kết mua lại, bên đặt cọc mất số tiền đặt cọc. Đây là hình thức hợp thức hóa số tiền lãi 3% tháng của số tiền 350 tỷ mà Công ty Kim Oanh đã vay.
Công ty Kim Oanh khẳng định, việc ký hợp đồng mua bán cổ phần chỉ là giả cách theo yêu cầu của bên cho vay. Giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm ký hợp đồng cao gấp nhiều lần con số 350 tỷ nên không có việc các bên mua bán số cổ phần này như những gì thể hiện trên hợp đồng (giả cách).
PV
( Tổng Hợp)