“Dự án treo” được ví như con đường chưa có lối thoát đối với các cấp, các ngành Hà Nội. Trong khi đó, hàng nghìn người dân sống trong khu vực bị thu hồi đất vẫn hàng ngày bức xúc, đề nghị chính quyền địa phương sớm có câu trả lời về việc các “dự án treo” có tiếp tục thực hiện hay không.
Nếu không triển khai, thành phố khẩn trương giải quyết để những hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng được cấp phép xây dựng, cải tạo nhà ở ổn định cuộc sống.
Có một thực tế tại Hà Nội là quỹ đất để phát triển hạ tầng phúc lợi thì eo hẹp nhưng diện tích đất để hoang hóa lại lên đến hàng triệu mét vuông. Vậy phải làm gì để nguồn lực đất đai không bị lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội và đã đến lúc Hà Nội cần xử lý mạnh tay đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cách đây gần 3 năm, từ những hạn chế được chỉ ra sau giám sát và phiên giải trình, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang kiến nghị thành phố tiếp tục thu hồi 28 dự án. Điều dễ thấy là “dự án treo” đếm không xuể nhưng kết quả thu hồi không phản ánh đúng thực tế nêu trên. Vậy đâu là nguyên nhân của căn bệnh “biết sai mà không sửa được” và vì sao hàng loạt dự án vi phạm Luật Đất đai vẫn chưa thể xử lý dứt điểm?.
Đặc biệt, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng hay thị trường bất động sản có giai đoạn “đóng băng,” năng lực chủ đầu tư yếu kém cũng là nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ kéo dài.
Xóa “dự án treo,” dành cơ hội cho nhà đầu tư có năng lực, ổn định cuộc sống của người dân đang là mục tiêu, quyết tâm của chính quyền Thủ đô, đặc biệt trước hàng loạt dự án trọng điểm phát triển thành phố vệ tinh Hòa Lạc được đăng ký liên tiếp thời gian gần đây.
Việc kêu gọi đầu tư phải đi đôi với đánh giá đúng năng lực và thường xuyên giám sát. Hà Nội “trải thảm” nhưng nhà đầu tư cũng cần “làm hết sức mình” để dự án sớm hiện hữu cùng chung tay phát triển Thủ đô.
Hàng loạt lý do được đưa ra để biện minh cho thực trạng đáng báo động về “dự án treo.” Tại Kết luận số 18/TB-HDND ngày 16/8/2018, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ rõ nhiều hạn chế, vi phạm về quản lý đất đai và sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định các vi phạm này không mới, một số dự án chậm tiến độ kéo dài đã được cảnh báo, kiến nghị xử lý từ nhiều năm trước, nhưng chưa được tập trung giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Có không ít chủ đầu tư cố tình vi phạm Luật Đất đai, thậm chí tái vi phạm khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Việc nể nang trong xử lý các “dự án treo” cũng khiến nhân dân và cử tri bức xúc.
Câu chuyện quản lý đất đai, xử lý dự án chậm triển khai luôn được lãnh đạo thành phố chỉ đạo sát sao, nhân dân và cử tri Thủ đô quan tâm cũng như Hội đồng Nhân dân thành phố nhiều lần chất vấn, thành lập các đoàn giám sát rồi ban hành Nghị quyết với những giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như biện pháp xử lý nghiêm đối với từng trường hợp vi phạm, thậm chí cả cảnh báo, nhưng vẫn “đâu vào đấy.”
Thực trạng đáng báo động này cho thấy nguy cơ thất thoát nguồn lực từ đất đai đang hiện hữu, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Không khó để “điểm mặt” hàng loạt dự án “nằm trên giấy,” trong đó tập trung nhiều ở các quận, huyện như: Hoài Đức với 51 dự án, Mê Linh 47 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án.
Theo đại diện các sở, ngành chức năng của Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “dự án treo,” trong đó nguyên nhân khách quan chủ yếu do quy hoạch, nếu điều chỉnh quy hoạch thì dự án cũng phải điều chỉnh theo. Bên cạnh đó, chính sách đất đai thay đổi dẫn đến thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng phức tạp, kéo dài.
Quy định về quản lý đất đai có sự xung đột pháp luật hoặc các văn bản dưới luật còn một số nội dung chưa đầy đủ, rõ ràng, chậm được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, gây khó khăn trong việc thực hiện, nhất là đối với các trường hợp xử lý chuyển tiếp…
“Quy hoạch treo,” “dự án treo” không chỉ gây lãng phí đất đai mà còn khiến cuộc sống của hàng nghìn người dân Thủ đô trong vùng giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.
Mới đây, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thủ đô. Điều này cho thấy kết quả thực hiện kết luận giám sát trước đó vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Nội dung này cũng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử lý kiên quyết và dứt điểm tình trạng “dự án treo” theo đúng quy định của pháp luật.