Trước động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng, nhiều ý kiến lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo trong ngành ngân hàng, việc điều chỉnh lãi suất đầu vào chỉ mang tính cục bộ ở một vài ngân hàng, không phải xu hướng chung của thị trường.
Chủ trương NHNN đưa ra, lãi suất tiết kiệm hiện thấp kỷ lục là cơ hội giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, không phải lúc để ngân hàng hưởng lợi.
Theo Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú, sắp tới, chương trình thanh tra của NHNN cũng sẽ lấy chỉ tiêu giảm lãi suất là một yếu tố đánh giá ngân hàng làm tốt hay chưa. Phó thống đốc nhấn mạnh, các ngân hàng cần chủ động xem xét lại khoản vay cũ để điều chỉnh lãi thấp hơn.
Có thể nói, giảm thêm lãi suất cho vay là kỳ vọng cũng như mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế, để giảm thêm lãi suất cho vay, thì một trong những yếu tố quan trọng là mặt bằng lãi suất huy động phải giảm sâu hơn.
Song lãi suất huy động phải bảo đảm thực dương so với lạm phát mới có thể hấp dẫn được người gửi tiền. Lạm phát năm nay được cho là trong tầm kiểm soát 4%.
Ngay trong tuần đầu sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm đồng loạt lãi suất cho vay đối với toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới đối với khách hàng của ngân hàng này trong thời gian ba tháng kể từ ngày 22/2-22/5/2021.
Theo đó, đối với khách hàng là doanh nghiệp, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch Covid-19; giảm tới 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
VPBank cũng có xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm từ tháng 3/2021, nhưng VPBank vẫn giữ nguyên mức lãi tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng trở lên, chỉ tăng lãi huy động ở các kỳ hạn 2-5 tháng, mức tăng phổ biến là 0,2 điểm phần trăm.
Hay tại Techcombank cũng tăng nhẹ lãi suất. Tuy nhiên, do nhiều tháng qua, nhà băng luôn duy trì mức lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn thấp nhất trên thị trường ở nhóm ngân hàng TMCP sau Big 4. Vì thế, từ đầu tháng 3, Techcombank điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn, phổ biến cao hơn 0,4 – 0,7 điểm phần trăm.
Còn nhóm ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV vẫn giữ nguyên biểu lãi suất huy động trong tháng 3/2021 so với tháng 2.
Hiện Kienlongbank – nhà băng duy nhất còn trả lãi trên 7 – 7,1%/năm cho khoản tiền gửi 1 năm kỳ hạn dưới 1 tỷ đồng, nay cũng hạ 0,15 – 0,3 điểm phần trăm với tất cả kỳ hạn.
Mức lãi suất cao nhất tại Kienlongbank là 7,2 – 7,3%/năm kỳ hạn 15 – 36 tháng khi gửi tiền trực tuyến.
Lý giải về việc giảm lãi suất, nhiều ngân hàng cho hay, thanh khoản đang dư thừa, trong khi cầu tín dụng chưa cao, vì thế, chi phí đầu vào là bài toán được ngân hàng tính kỹ đế giảm lãi vay.
Cụ thể, SeABank, PGBank, GPBank, Kienlongbank, OCB DongABank, VietABank… là những ngân hàng đã giảm lãi suất từ 0,05 – 0,3 điểm phần trăm trong tuần thứ 2 của tháng 3/2021.