Thực tế này cộng với nhận định của một số công ty chứng khoán mới đây khiến một số nhà đầu tư chứng khoán e ngại lãi suất đang tăng trở lại, thời “tiền rẻ” sắp qua.
Việc tăng lãi suất mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng, mức tăng cũng không lớn, trong khi đầu tháng 3 có khá nhiều tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất. Các ngân hàng quốc doanh – những ngân hàng đang dẫn dắt thị trường hiện tại – vẫn “án binh bất động”.
Mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021, khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2021. KBSV đưa ra dự báo này dựa trên ba cơ sở:
Thứ nhất, kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) tăng;
Thứ hai, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh;
Thứ ba lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cho biết, tại địa bàn thành phố cũng đã ghi nhận khoảng 3 đến 4 trường hợp điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động tháng 3/2021. Tuy nhiên, lãi suất tăng chủ yếu ở các kỳ hạn dài, số tiền huy động lớn, mức tăng cao nhất cũng chỉ là 0,6 điểm phần trăm.
“Tôi đánh giá đây chỉ mang tính chất cục bộ ở một vài ngân hàng, chưa phải xu hướng chung của toàn ngành”, ông Minh đánh giá.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng cho rằng, lãi suất tiền gửi vẫn đang ở mức thấp, xoay quanh mức 3,5 – 4%/năm kỳ ngắn hạn và 6 – 7%/năm cho kỳ trung và dài hạn.
Bởi lẽ, thanh khoản hệ thống tín dụng đang rất dồi dào. Riêng tuần từ 8/3 đến 12/3, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất liên ngân hàng đi ngang thấp ở mức 0,33%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,48%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
“Số ít ngân hàng có nhu cầu thanh khoản nhất thời nên có thể tăng lãi suất”, vị lãnh đạo trên nêu quan điểm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, chậm lại quá trình cho vay khiến lượng tiền lưu thông bị hạn chế, Việt Nam có dấu hiệu này nhưng chưa trầm trọng.
Theo TS. Hiếu, lãi suất huy động vẫn cao, giữa lãi suất huy động và lạm phát có mức lãi suất thực dương ít nhất 1% nên chưa thể nói đã chạm đáy. Lãi suất thực âm dưới tỷ lệ lạm phát thì đó mới được gọi là đáy của lãi suất.
“Thanh khoản các ngân hàng có sự ổn định nhưng vẫn chưa bền vững. Do nợ xấu hiện khó đoán định, ngân hàng luôn cần huy động thêm, tiền đổ vào chứng khoán thiếu hụt nhất định nguồn vốn trong ngân hàng”.
Hiện mức lãi suất huy động trên 8%/năm vẫn được không ít ngân hàng áp dụng, song chủ yếu dành cho những khoản tiền gửi có giá trị lớn.
Một số ngân hàng rục rịch nâng lãi suất huy động, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại phải chăng lãi suất thấp – yếu tố quan trọng hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán thời gian qua – sắp không còn.