Nhiều chủ cửa hàng đã phải treo biển tạm thời đóng cửa, hoặc cho thuê lại mặt bằng với giá rẻ mạt. Một số cửa hàng vẫn duy trì việc mở cửa thường xuyên nhưng lượng khách ra vào khá vắng, chủ yếu là để duy trì và cầm chừng.
Các trang bất động sản liên tục rao cho thuê mặt bằng ở khắp tuyến đường trung tâm TP HCM, các phố Hàng ở Hà Nội nhưng khách hỏi rất ít.
Nhiều chuyên gia dự báo năm 2021 tiếp tục là năm khó khăn đối với lĩnh vực cho thuê mặt bằng. Một số ý kiến còn lo ngại nhiều thương hiệu có khả năng rơi vào phá sản. Trừ một số ngành có thể tận dụng phát triển trong dịch vụ như về chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, sản phẩm thiết yếu, dịch vụ giao hàng siêu thị… còn lại khá căng thẳng để duy trì hoạt động.
Phố Hàng… ế ẩm
Nhiều cửa hàng đồ lưu niệm, thời trang tập trung trên tuyến phố Hà Nội như: Phố Hàng Trống, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Da… đều đóng cửa im lìm.
Vắng bóng du khách quốc tế, tình hình kinh doanh tại khu vực phố cổ, phố cũ của Hà Nội trở nên ảm đạm. Các cửa hàng trước đây kinh doanh hàng lưu niệm, dịch vụ ăn uống, các sản phẩm đặc sản đóng cửa, gỡ biển hiệu, chờ sang nhượng, hoặc trả mặt bằng. Khu vực “vàng” trong kinh doanh thương mại của Hà Nội bỗng trở nên vắng vẻ.
Không tìm được khách thuê, nhiều chủ nhà phải bỏ mặt bằng không hàng tháng. Các dãy phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liệt, Tạ Hiện… vốn có nhịp sống sôi động từ sáng đến đêm khuya tiếp tục rơi vào trạng thái đìu hiu.
Các mặt bằng tại khu vực phố cổ Hà Nội chủ yếu đều là kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn, đồ lưu niệm, thời trang, dịch vụ ăn uống… Trong thời điểm khó khăn, nhiều chủ nhà đã phải chấp nhận đóng cửa hoặc sang nhượng mặt bằng với mức giá thuê giảm từ 20 -30% cho những ai có nhu cầu thuê với hợp đồng dài hạn.
Khác hẳn với hình ảnh nhộn nhịp, sầm uất trước đây, nhiều cửa hàng đồ lưu niệm trên tuyến phố Nhà Thờ giao cắt với phố Hàng Trống đã đóng cửa, treo biển sang nhượng cửa hàng. Theo chủ cửa hàng lưu niệm Lê Bích Ngọc (sinh năm 1972, phố Hàng Trống), trước đây doanh thu của cửa hàng chủ yếu nhờ vào phần lớn lượng khách du lịch, khách vãng lai trong và ngoài nước.
Các cửa hàng trên nhiều tuyến phố gần Bờ Hồ như Hàng Đào, Hàng Ngang,… có giá trị thuê mặt bằng thuộc loại cao nhất Thủ đô. Nơi đây được biết tới là vị trí “đất vàng”, tập trung nhiều khách du lịch cùng im lìm đóng cửa treo bảng chờ người thuê.
Các con phố sầm uất như Xã Đàn, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng,.. chấp nhận giảm giá mặt bằng nhưng các cửa hàng vẫn đóng cửa im lìm, không ai tới hỏi.
Nhiều chủ nhà đã phải chấp nhận chịu lỗ, giảm giá tiền cho thuê mặt bằng nhưng vẫn có rất ít người tới hỏi. Theo nhận định của giới chuyên gia bất động sản, giá cho thuê mặt bằng tại các khu vực “đất vàng” ở Hà Nội đã ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Tp.HCM giảm giá 30% vẫn hẩm hiu
Dịch Covid-19 không chỉ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà nhu cầu chi tiêu của khách hàng cũng sụt giảm khiến các hoạt động buôn bán, kinh doanh của hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng.
Trước đó, thị trường kỳ vọng nhu cầu hoạt động kinh doanh, buôn bán dịp Tết Nguyên đán có thể sôi động trở lại giúp các tuyến phố tấp nập hơn. Dù vậy, đến nay, nhiều mặt bằng cho thuê tiếp tục để trống, chờ khách…
Trên các tuyến đường thuộc quận 1, 3, Tân Bình, Bình Thạnh…, từ đường Võ Văn Tần, Trương Định, Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ…, hàng loạt mặt bằng cho thuê được rao với giá rẻ. Có nhiều mặt bằng nằm ngay ngã tư, hai mặt tiền đường rao cho thuê từ trước Tết đến giờ vẫn chưa có khách.
Căn nhà hai mặt tiền nằm ngay góc ngã tư Hai Bà Trưng – Võ Thị Sáu, quận 3, đang được rao cho thuê giá 95 triệu đồng/tháng. Đây là giá chốt và mức giá này đã giảm đáng kể so với trước dịch Covid-19. Mặt bằng này đã để trống từ trước Tết đến giờ vẫn chưa kinh doanh trở lại.
Có nhiều mặt bằng giá thuê giảm tới 30% so với trước dịch, nhưng rất ít khách hỏi. Nhiều nhà cho thuê ở mặt tiền đường, khu vực trung tâm từ 1-3 lầu, thích hợp mở quán cà phê, quán cơm văn phòng hoặc làm văn phòng cho thuê… cũng ế ẩm.
Dù là mặt tiền con phố sầm uất như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão… giảm giá đến 30% vẫn khó cho thuê.
Việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho khách vẫn được duy trì tại các trung tâm thương mại và cả nhà phố. Cụ thể, mức giảm phổ biến 10%-30% trên giá thuê trong ngắn hạn.
Tuy vậy, theo báo cáo của Savills Việt Nam, khách thuê vẫn tiếp tục giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử. Nhất là tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch.