Đến đầu năm 2021, dịch bệnh quay trở lại, thế nhưng người dân không còn tâm lý hoang mang bởi các phương án kiểm soát dịch đã đem lại hiệu quả nhất định. Với các nhà đầu tư bất động sản, đây là lúc cần lạc quan để nắm bắt cơ hội “xuống tiền” nhằm thu lợi nhuận bền vững.
Báo cáo năm 2020 do Bộ Xây dựng công bố, mặc dù giao dịch năm 2020 giảm so với năm 2019, tuy nhiên sau thời điểm trầm lắng, giai đoạn nửa cuối năm đã có sự thay đổi đáng kể về lượng giao dịch, giá bất động sản vẫn giữ đà tăng trưởng.
Bước sang năm 2021, nhà đầu tư tiếp tục hướng sự tập trung vào khu vực ven Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy một xu hướng dòng tiền trong thời gian tới sẽ đổ vào các vùng phụ cận, nơi có hạ tầng được đầu tư, các dự án phát triển bài bản, được quản lý vận hành bởi các đơn vị uy tín quốc tế.
Theo đại diện Hội môi giới BĐS Việt Nam, bất động sản với sự trỗi dậy của những vùng đất mới đang trở thành xu hướng và được dự báo sẽ không giảm tốc trong năm 2021, đặc biệt tại một số điểm sáng như Hải Phòng, Bắc Ninh hay Hoà Bình.
Theo đánh giá của HoREA, năm 2020 là một năm đầy sóng gió, gian nan và thách thức đối với nền kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, cũng như đối với nền kinh tế nước ta, trong đó có thị trường bất động sản, do tác nhân bất ngờ của đại dịch Covid-19.
Để thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi và phát triển theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh và bền vững, HoREA kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp chặt chẽ để sớm tháo gỡ một số vướng mắc về quy định pháp luật về các quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở, trong đó, về thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư dự án”.
Giá BĐS thời gian tới, khó mà tăng, nhưng cũng khó mà giảm. Cung có thể tăng nhẹ, do nhà đầu tư có thể tự tin hơn để tiếp tục xây dựng cộng thêm hỗ trợ từ lãi suất. Còn cầu sẽ vẫn duy trì, các nhà đầu cơ khó lòng bán ra với hi vọng BĐS tiếp tục tăng, và họ cũng không còn kênh đầu tư nào an toàn hơn, chưa kể đến họ vẫn đang được hỗ trợ từ lãi suất.
Theo giới chuyên gia, nhà đầu tư tuyệt đối tránh rót vốn vào các cơn “sốt”, mà giá trị đất tăng bất thường trong thời gian ngắn. Bởi, đây chỉ là chiêu trò thổi giá của giới cò đất.
Trong vài năm gần đây, thị trường bất động sản cả nước đã chứng kiến hàng loạt các “cơn sốt đất”, nhưng đa phần là “sốt ảo”. Đơn cử như tại Hà Nội, năm 2019 có “sốt” đất ở Đông Anh, năm 2010 “sốt” đất ở Ba Vì, đặc biệt trong 2 năm gần đây, Hòa Lạc, Thạch Thất là các địa phương liên tục “nổ” ra các “cơn sốt đất”.
Miền Trung, Đà Nẵng – Quảng Nam cũng có một thời gian dài bị “sốt” đất nhấn chìm. Trong khi đó, tại khu vực các tỉnh miền Nam, năm ngoái có “sốt” đất ở Bình Ba (Bà Rịa – Vũng Tàu), năm 2019 có “sốt” đất ven biển Bình Thuận;…
Hội Môi giới bất động sản cũng cho rằng, nguồn cung bất động sản sẽ được tăng dần, bổ sung vào thị trường trong một vài năm tới. Năm 2021, nhu cầu thật về phân khúc căn hộ tại Hà Nội và TPHCM vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Phân khúc căn hộ trung cấp loại 2 phòng ngủ tiếp tục được giao dịch nhiều. Lượng giao dịch căn hộ thành công vào năm 2021 ước đạt từ 90.000 đến 100.000 căn tại TPHCM và Hà Nội.
Với nhu cầu đầu tư, đất nền vẫn là sản phẩm được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, sản phẩm này sẽ khan hiếm dần vì các địa phương cũng hạn chế cho phát triển dự án đất nền, chỉ còn chủ yếu ở những dự án đấu giá. Nhà ở xã hội vẫn có nhu cầu rất lớn, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng, sốt ảo hay bong bóng như một số lo ngại gần đây.
“Ở giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020, mặc dù vẫn có 2 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn thể hiện sức mạnh tiềm ẩn. Đã có hàng loạt dự án bất động sản trên cả nước vẫn về đích đúng hạn, góp phần cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm mới. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nguồn cung mới vẫn đạt gần 60.000 sản phẩm, và đạt 87,6% so với năm 2019” – ông Nguyễn Văn Đính nói.
Dự báo về năm 2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho rằng, một số ngành kinh tế khác sẽ hồi phục. Giá căn hộ tại Hà Nội có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với 2020. Tại TPHCM vẫn có chiều hướng tăng. Chủ yếu là khu vực thành phố Thủ Đức.
Về cuối năm 2021, có thể nguồn cung tăng mạnh, một số nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường, giá có thể sẽ chững lại nhưng trong năm 2021 sẽ chưa xuất hiện giảm giá. Tuy nhiên, những dự án mới ra giai đoạn cuối năm sẽ xây dựng giá bán phù hợp hơn.