Thực tế cho thấy, những cơn sốt đất vừa qua ở các nơi đều xuất phát từ việc nhà nước thực hiện các dự án hạ tầng, công bố các quy hoạch phát triển đô thị.
Hạ tầng là nền tảng, cú huých không chỉ cho BĐS mà các lĩnh vực khác từ sản xuất, dịch vụ cùng hưởng lợi khi nó tạo nên sự thông thương, tiết giảm chi phí vận chuyển, thời gian đi lại. Hiện nay các doanh nghiệp BĐS thường đo theo tiến độ phát triển hạ tầng giao thông để đầu tư, nhằm đảm bảo thu hút cư dân về ở, góp phần gia tăng giá trị cho BĐS.
Cầu đường chạy tới đâu, BĐS sốt tới đó là thực trạng nhiều năm nay. Nhiều nhà đầu tư nhờ đón sóng từ những chính sách xây dựng hạ tầng đã trúng đậm. Tuy nhiên hiện nay có nhiều dự án hạ tầng đến khi khởi công hoặc khánh thành lại không tạo giá trị cao như nhà đầu tư mong đợi.
Bởi thực tế thời gian chuẩn bị rất lâu, đến khi chính thức, mọi giá trị gia tăng, trong đó có cả giá kỳ vọng đều đã được cơn sốt trước đó cộng hết vào. Rất nhiều nhà đầu tư mua bị om vốn, thậm chí lỗ lớn vì tình trạng này.
Khi có thông tin tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được đầu tư xây dựng vào năm 2019 thì Bình Thuận đã trở thành tâm điểm của thị trường BĐS khi hàng loạt các ông lớn trong lĩnh vực này nhảy vào đầu tư kéo theo các cơn sốt đất.
Trong đó bài học “đau đớn” nhất là Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) hay tại TP. HCM là Cần Giờ. Giá nhà đất liên tục tăng theo các đợt thông tin về cầu Cần Giờ, cầu Nhơn Trạch được đầu tư. Đến nay sau nhiều lần lên cơn sốt đất, cây cầu Nhơn Trạch vẫn chưa được khởi công và các khu đô thị tại đây gần như vắng bóng người nên bị xuống cấp nghiêm trọng, cỏ cây mọc um tùm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM, giá cả thị trường được quyết định bởi 3 quy luật, quy luật giá trị, quy luật cung – cầu và quy luật cạnh tranh. Đối với giá cả thực tế còn chịu sự tác động của tiện ích, dịch vụ, mà đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư khi biết được thông tin về đầu tư hạ tầng, họ đã nắm bắt cơ hội để đón sóng đầu tư là điều tất yếu. Nhưng có một điều, chỉ những người có nhu cầu thực và có nguồn tiền nhàn rỗi, không áp dụng đòn bẩy tài chính mới có thể đầu tư cho các dự án theo hạ tầng.
Đầu tư dạng này phải đầu tư dài hạn; khi không nắm được thông tin, người dân, nhà đầu tư không nên chạy theo cơn sốt mà đổ xô đi đầu cơ, trữ đất, dễ chịu rủi ro lớn.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Việt Nam ở TP. HCM, nhận định, thời gian qua khu vực phía nam, khu tây TP.H CM không sôi động bằng khu đông, bởi khu đông được đầu tư khá nhiều dự án hạ tầng trọng điểm và kết nối với các tỉnh thành khác.
Tương tự, thị trường BĐS phía bắc mấy năm qua cũng phát triển vượt bậc do cầu, đường được đầu tư khá tốt. Hạ tầng đi đến đâu các dự án BĐS, đô thị được xây dựng đến đó, tạo sự phát triển cho bộ mặt đô thị chung cho cả vùng. Năm 2021, hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia được hoàn thành khiến thị trường BĐS khắp nơi lên cơn sốt.
Tại TP. HCM, các trục đường chính như xa lộ Hà Nội, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Thọ… sau khi được xây dựng, các dự án bất động sản (BĐS) mọc lên san sát 2 bên đường, giá cũng tăng qua nhiều đợt. Tại Bình Dương, dọc mặt tiền QL13, chỉ một đoạn từ TP. HCM đến TP. Thủ Dầu Một đã có hàng chục dự án BĐS, với tổng số căn hộ được ước tính là 40.000 căn.
Giá kỳ vọng đã được cộng vào trước khi dự án triển khai cả năm, thậm chí nhiều năm trước đó nên nếu không thận trọng, người mua nhà, đất rất dễ bị sập sóng.